Thông điệp toàn cầu
Chung tay thúc đẩy phục hồi thế giới bền vững sau đại dịch Covid-19 đang là nhiệm vụ cấp bách của cộng đồng quốc tế và “thông điệp toàn cầu” này đã được Liên hợp quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế khác nhấn mạnh trong các tuyên bố chung gần đây.
Cuối tuần qua, gần 200 nghị sĩ từ nhiều nước trên thế giới đã tham gia phiên họp Nghị viện 2022 theo sáng kiến chung của Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhằm thúc đẩy các nỗ lực chung trong việc phục hồi thế giới một cách bền vững sau đại dịch Covid-19. Phát biểu tại cuộc họp này, Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phục hồi bền vững sau đại dịch với mọi quốc gia trên thế giới. Theo đó, mục tiêu chung của Liên hợp quốc và IPU là thúc đẩy hợp tác toàn cầu và chủ nghĩa đa phương và các nghị viện sẽ đưa những nghị quyết của Liên hợp quốc vào hệ thống luật lệ ở từng quốc gia. Những nhiệm vụ này sẽ trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đã trải qua hơn hai năm khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhiều nước đang phải nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước đó, “phục hồi bền vững” cũng đã trở thành thông điệp được nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn quốc tế khác. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mới đây, các nền kinh tế thành viên APEC đã khẳng định cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay, thống nhất quyết tâm “đưa khu vực phục hồi một cách bền vững và chắc chắn”. Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2021 Vangelis Vitalis (V.Vi-ta-lít) từng nhấn mạnh rằng: “Chưa từng có thời điểm nào quan trọng như hiện nay để các nền kinh tế hợp tác, cùng chia sẻ, tái thiết phục hồi… Các quan chức cấp cao các nền kinh tế đã làm việc suốt năm qua, thảo luận về các vấn đề liên ngành và nhiều chương trình khác nhau để nâng cao hiệu quả của APEC trong ứng phó khủng hoảng và hỗ trợ cho việc phục hồi”. Các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn APEC nhấn mạnh “chìa khóa” cho sự phục hồi thành công của khu vực là tăng cường tính bền vững và bao trùm, đồng thời theo đuổi sự phục hồi sáng tạo được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong thông điệp đưa ra tại diễn đàn quản trị cấp cao mới đây cũng nhấn mạnh chủ đề “Giá trị chung: Xây dựng tương lai xanh và hòa nhập”. Các đại biểu tham dự hội nghị của OECD đã khẳng định hai công cụ giúp tối ưu hóa sức mạnh và bảo đảm phục hồi hậu Covid-19 đồng đều là bảng chỉ báo phục hồi Covid-19-cung cấp một bộ chỉ số giúp các quốc gia đo lường liệu sự phục hồi có thật sự mạnh mẽ, bao trùm hay thân thiện với môi trường hay không. Công cụ thứ hai là Chương trình Hành động khí hậu mới ở cấp quốc tế, với những giải pháp định hướng và giám sát mới để theo đuổi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050.
Dù diễn ra ở thời điểm khác nhau, với chủ đề thảo luận không giống nhau, nhưng các chuyên gia của APEC, OECD, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đều có mối quan tâm chung là thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch. Các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước cũng đã đạt được nhận thức chung quan trọng về những thách thức mà nhân loại đang phải cùng đối mặt và chung tay giải quyết trong bối cảnh các số liệu đã cho thấy một thực tế rõ ràng rằng, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các nước cũng như trong chính các quốc gia, và cần có những hành động để đảo ngược tình trạng này. Ba trong số những thách thức quan trọng nhất mà các nước đang phải đối mặt hiện nay gồm: ứng phó biến đổi khí hậu, định hình nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững và giải quyết tận gốc những bất bình đẳng kìm hãm phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Thực tế nêu trên cho thấy, “phục hồi bền vững” đang là thông điệp, là “mệnh lệnh của thời đại”. Giải quyết các thách thức hậu đại dịch Covid-19 trong trung và dài hạn đang là “việc cần làm ngay” của mọi quốc gia. Những nhiệm vụ then chốt đã được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế chỉ ra như trên. Tuy nhiên, để thành công, quá trình phục hồi bền vững nêu trên đòi hỏi sự đoàn kết và quyết tâm cao độ của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()