Thông điệp quan trọng từ cuộc đối thoại Tổng thống Nga-Mỹ
Việc hai tổng thống có thể đối thoại và nhất trí chỉ đạo các đại diện của hai nước tham vấn thực chất về những vấn đề nhạy cảm đã phát đi tín hiệu tích cực về việc kiểm soát mối quan hệ giữa hai nước.
Không ngoài dự đoán, cuộc hội đàm trực tuyến kết thúc rạng sáng 8/12 (theo giờ Hà Nội) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa thể giúp giải quyết các vấn đề bất đồng đang khiến quan hệ hai nước trên đà xuống dốc.
Tuy nhiên, bản thân việc hai tổng thống có thể đối thoại và nhất trí chỉ đạo các đại diện của hai nước tiến hành tham vấn thực chất về những vấn đề nhạy cảm đã phát đi tín hiệu tích cực đối với việc kiểm soát mối quan hệ giữa hai cường quốc.
Phóng viên kênh truyền hình Nga Rossya 1 mô tả cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra “căng thẳng một đối một,” chỉ có hai nhà lãnh đạo tiến hành đối thoại trực tiếp.
Hai bên đã trao đổi thẳng thắn lập trường về một loạt vấn đề nhạy cảm như cuộc xung đột tại Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông đồng thời tăng cường triển khai lực lượng và vũ khí sát biên giới Nga, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2″…, những chủ đề vốn gây căng thẳng và khiến quan hệ hai nước xuống đến mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng Sáu vừa qua với một số kết quả tích cực, hai nước lại sa vào những căng thẳng mới liên quan tới tranh cãi về thị thực và trục xuất nhân viên ngoại giao hay việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.
Trong khi Washington cho rằng Nga liên quan tới các vụ tấn công mạng tại Mỹ thì Moskva cáo buộc phía Mỹ tìm cách can thiệp cuộc bầu cử Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga tháng Chín vừa qua. Đặc biệt, hai bên gần đây liên tiếp gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đen và khu vực sát biên giới Ukraine.
Nga và NATO tiến hành nhiều cuộc tập trận, trong đó Mỹ cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Porter, soái hạm Mount Whitney và tàu tiếp liệu hải quân John Lenthall cùng máy bay ném bom chiến lược B-1B tham gia. Bởi vậy, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo hai nước lần này được kỳ vọng có thể trở thành “cú hãm phanh” tránh để quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã truyền tải quan điểm của mỗi bên về những vấn đề gây tranh cãi, trong đó cả Washington và Moskva đều giữ nguyên lập trường của mình.
Đối với vấn đề được quan tâm nhất liên quan tới Ukraine, Tổng thống Biden bày tỏ mối quan ngại của Mỹ và các đồng minh châu Âu về việc Nga gia tăng lực lượng gần biên giới Ukraine, cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế cùng các biện pháp mạnh khác trong trường hợp có leo thang quân sự.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin nhắc lại quan điểm của Moskva, cho rằng việc Mỹ và NATO tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga là một thách thức nghiêm trọng và NATO đang “thực hiện những nỗ lực nguy hiểm.”
Do đó, Nga “thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo đáng tin cậy và ràng buộc về pháp lý, loại trừ việc NATO mở rộng về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp với Nga.”
Giới quan sát cho rằng những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ hai nước đều là những bất đồng khó hóa giải và khó có khả năng lập trường của hai bên sẽ “xích lại gần nhau.” Bởi vậy, không ai kỳ vọng sẽ có đột phá. Tuy nhiên, cuộc hội đàm thượng đỉnh này cũng cho thấy xu thế đối thoại vẫn đang được duy trì trong quan hệ Nga/Mỹ.
Bất chấp căng thẳng, thời gian gần đây, giới chức Nga và Mỹ đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc và trao đổi cấp cao, trong đó có các cuộc gặp bên lề Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Thụy Điển ngày 2/12 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov điện đàm ngày 23/11 hay cuộc điện đàm ngày 17/11 giữa Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolay Patrushev và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã có chuyến thăm Moskva. Bản thân Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden cũng đã 5 lần đối thoại trong năm nay, tính cả cuộc hội đàm trực tuyến này.
Chuyên gia Andrey Bystritskiy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ phát triển và hỗ trợ, Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai nhận định trong bối cảnh quan hệ Nga/Mỹ căng thẳng như hiện nay, thông điệp quan trọng nhất qua cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga/Mỹ chính là hai bên sẵn sàng đối thoại, đàm phán, tham vấn.
Điều đó cho phép hai bên có thể thiết lập phương thức đối thoại trong mọi lĩnh vực để có thể quản lý bất đồng. Trong khi đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết trên quan điểm của chính phủ Nhật Bản, cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai cường quốc có ảnh hưởng như Nga và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình Ukraine.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden đã thừa nhận những khó khăn trong việc “cài đặt” lại quan hệ với Nga, do vậy ông chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn và có phần thực tế, đó là tìm kiếm “mối quan hệ ổn định và có thể đoán định” với Moskva.
Dù chưa thể sớm có đột phá hay cải thiện nhanh chóng, nhưng rõ ràng việc hai nước vẫn duy trì đối thoại có thể giúp kiểm soát hiệu quả các bất đồng, tránh những sự cố không cần thiết. Một mối quan hệ ổn định không chỉ giúp lãnh đạo hai nước đạt được mục tiêu riêng, mà còn được xem là tín hiệu tích cực với an ninh thế giới./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()