Thông điệp cứng rắn
Tổng thống Mỹ Trump (bên trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại trụ sở của NATO ở Brussels, ngày 11-7-2018. |
Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính sau các động thái leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ. Quyết định tăng thuế gấp hai lần đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ đã khiến thị trường tài chính Ankara chao đảo, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh, đe doạ tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính khác.
Đáp trả biện pháp tăng thuế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ “xứ cờ hoa”. Sắc lệnh do Tổng thống T.Erdogan ký ban hành đã nâng mức thuế quan đối với ô-tô khách nhập khẩu từ Mỹ thêm 120%, sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60%. Tổng thống Erdogan cũng thông báo Ankara sẽ tẩy chay các sản phẩm điện tử của Mỹ. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ F.Oktay cho biết, quyết định tăng thuế của Ankara dựa trên nguyên tắc đáp trả “các hành động tiến công có chủ đích của chính quyền Mỹ vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ”.
Những tranh cãi ngoại giao liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam mục sư người Mỹ A.Brunson đã bị biến thành “cuộc chiến kinh tế” với những màn “phản pháo” trên mặt trận thương mại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này sẽ không để thua trong cuộc chiến kinh tế với các nước thù địch. Từ quan hệ đồng minh thân thiết trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu. Mỹ cảnh báo sẽ gây thêm nhiều sức ép kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara từ chối thả mục sư A.Brunson. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mạnh tay đối với những âm mưu phá hoại nền kinh tế đất nước. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, cơ quan chức năng nước này đang mở cuộc điều tra nhằm vào 346 tài khoản truyền thông xã hội đăng tải những thông tin tiêu cực về đồng nội tệ lira, làm suy yếu những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhận định của nhà kinh tế hàng đầu thế giới thuộc Capital Economics, ông A.Kenningham, việc đồng lira trượt giá tới 45% kể từ đầu năm nay, đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng suy thoái và điều này hoàn toàn có thể gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” nhằm bảo đảm ổn định tài chính đồng thời cam kết bảo đảm thanh khoản cần thiết cho các ngân hàng. Với biện pháp điều chỉnh mới nhất, ngân hàng này sẽ “bơm” gần 10 tỷ lira, sáu tỷ USD và lượng vàng trị giá ba tỷ USD vào hệ thống tài chính.
Giữa lúc quan hệ đồng minh Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ gặp “sóng to gió lớn” thì Thổ Nhĩ Kỳ lại siết chặt tay hơn trong quan hệ với Nga. Ankara và Moscow vừa đạt được thoả thuận nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, khởi đầu cho một thời kỳ nồng ấm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Hai quốc gia từng là “đối thủ” này đang xích lại gần nhau, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng. Ankara đang có những động thái xoay trục quan hệ sang Moscow khi cả hai bên cùng chung một mặt trận nhằm đối phó sức ép từ Mỹ và phương Tây.
Việc đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá phản ánh những lo ngại, trong đó có vấn đề căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Mỹ. Giới phân tích cho rằng, mặc dù tình cảnh của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là vấn đề nội tại của nước này, nhưng diễn biến đó cũng khiến các nước mới nổi bị liên lụy khi đồng tiền của các nước này đang lao dốc trước những lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng. Hiện đang dấy lên quan ngại về nguy cơ lặp lại sự kiện năm 1997, thời điểm đồng bạt của Thái-lan không ngừng trượt giá, kéo theo cuộc khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế châu Á. Theo các chuyên gia, đồng lira giảm giá đang gây áp lực đối với các thị trường chứng khoán với lo ngại cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ đang gửi đi thông điệp cứng rắn rằng, Mỹ sẽ thất bại trong âm mưu gây ảnh hưởng đối với bộ máy tư pháp của nước này, trong khi Nhà trắng cũng cảnh báo sẽ “mạnh tay hơn” nếu Ankara không chịu thả mục sư Brunson. Có thể nói, cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây ảnh hưởng lợi ích của hai bên mà còn ít nhiều tác động tới thị trường tài chính ở nhiều nước. Nếu hai quốc gia đồng minh không tìm cách đưa quan hệ trở lại “thuở ban đầu” thì những động thái đáp trả lẫn nhau sẽ gây căng thẳng không chỉ ở khu vực mà còn tác động tới các trục quan hệ khác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()