Thông cáo Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Từ ngày 15 đến ngày 17/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 28 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cơ bản nhất trí dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp trình Quốc hội; đồng thời, bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Đến nay, công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đã được các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu tích cực, khẩn trương thực hiện, đảm bảo yêu cầu đề ra. Các nội dung trình tại kỳ họp đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và chỉnh lý một bước. Công tác thông tin, hậu cần, kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo khác đã cơ bản hoàn thành, phục vụ tốt kỳ họp.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7, gồm: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và 1 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp là dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rút ra khỏi chương trình cho ý kiến tại kỳ họp 7 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014.
– Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013: Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nhất trí và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; sự chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế đã đạt kết quả tích cực: ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tín dụng giảm; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi tiếp tục được bảo đảm; …Tuy vậy, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; các cân đối lớn chưa bền vững; sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh thấp; nợ xấu chậm được xử lý; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế triển khai chậm; các vấn đề trật tự, an toàn xã hội, môi trường vẫn còn nhiều bức xúc…
– Về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2014 đạt được những kết quả tích cực: tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,96 %, cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến ở một số lĩnh vực ưu tiên; thu ngân sách đạt khá so với dự toán; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá,… Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế chưa cải thiện; tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao; thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết; việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh diễn ra ở diện rộng, tiềm ẩn nhiều bất ổn; tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội còn gặp nhiều khó khăn…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, cập nhật thêm tình hình mới, hoàn chỉnh các báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp 7.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.
Triển khai thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị dự thảo Báo cáo công phu và nhất trí với nhận định của Báo cáo cho rằng công tác xóa đói, giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, cơ bản không còn tình trạng hộ thiếu đói kinh niên; tình trạng nghèo đã chuyển từ diện rộng trong phạm vi cả nước sang tập trung ở một số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trong một số nhóm dân cư; chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực tiễn thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị và là chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát, Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo và chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 2 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc giải quyết vấn đề nhà, đất làm trụ sở cơ quan đại diện của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo CPV
Ý kiến ()