Thông cáo phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII
Từ ngày 9 đến ngày 17 tháng 4 năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 17 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Từ ngày 9 đến ngày 17 tháng 4 năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 17 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sau ba tháng triển khai nghiêm túc, dân chủ Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tính đến ngày 31-3-2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với 28.140 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý. Nhìn chung, nhân dân quan tâm sâu sắc, tin tưởng, phấn khởi và tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm vào dự thảo Hiến pháp. Về cơ bản nhân dân tán thành với các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố; đồng thời, cũng góp nhiều ý kiến cụ thể vào các chương, điều, khoản của Dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn sự đóng góp ý kiến của nhân dân và đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục tập hợp, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, giải trình thuyết phục các vấn đề mà nhân dân góp ý để báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về bốn dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5: Luật Ðất đai (sửa đổi), Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình và dự thảo các dự án luật trên để trình Quốc hội.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về ba dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5:
– Về Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật: Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 25-7-2001 thay thế Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993. Sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh đã góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất cho nông nghiệp; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, qua quá trình thực thi Pháp lệnh năm 2001 đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước, các quy định chỉ mang tính cụ thể đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một số công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong thời kỳ mới. Vì vậy, để khắc phục các bất cập nêu trên, việc ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là cần thiết, thể hiện quan điểm của Ðảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, phục vụ cho việc “xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao,…”; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
– Về Dự án Luật Việc làm: Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động để bảo đảm cuộc sống và phát triển toàn diện. Tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm quyền bình đẳng về việc làm cho mọi người lao động là trách nhiệm của mọi quốc gia. Hiện nay, một số nội dung về quan hệ xã hội về việc làm đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật bước đầu đã tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội về việc làm, thị trường lao động phát triển. Tuy nhiên, chính sách pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật Việc làm là cần thiết, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hội nhập quốc tế, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
– Về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để có thêm thời gian chuẩn bị.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và khóa XIII của Quốc hội. Ðề nghị Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và chuẩn bị báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2014. Ðề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Tờ trình, Nghị quyết gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012. Qua báo cáo, Ðoàn giám sát đã tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ, thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thực hiện có hiệu quả hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ðoàn giám sát, Ủy ban Tài chính, ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo và chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các báo cáo và cho rằng Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 được lập, thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đối chiếu khớp đúng với số liệu của Kho bạc Nhà nước, được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp. Ðề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh các báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ðề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội phối hợp nghiên cứu, đưa các nội dung của Tờ trình vào hai dự án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
9. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc đàm phán, ký kết Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào; cho ý kiến về Ðề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và Dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.
Nhandan
Ý kiến ()