Thông cáo chung Việt Nam - Na Uy
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Na Uy Ê-na Xôn-béc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến 18-4.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Ê.Xôn-béc đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp và hội kiến Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; đi thăm và tìm hiểu tình hình thực hiện một số dự án trong lĩnh vực giáo dục và y tế do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) hỗ trợ tại tỉnh Lào Cai.
1. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Ê.Xôn-béc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 40 năm trước. Hai Thủ tướng thông báo cho nhau về tình hình hiện nay tại mỗi nước, điểm lại những tiến triển trong quan hệ Việt Nam – Na Uy và nhất trí tăng cường quan hệ song phương, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác trên cơ sở phù hợp các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước trong thời gian tới.
2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Na Uy trong những năm gần đây. Thủ tướng Ê.Xôn-béc chúc mừng Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Hai bên nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thực hiện đầy đủ các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Chương trình nghị sự phát triển toàn cầu sau năm 2015.
3. Hai Thủ tướng hoan nghênh sự gắn kết kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Na Uy; nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư song phương trong bối cảnh nền kinh tế hai nước có tính tương thích cao và tiềm năng to lớn, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế biển, hàng hải và năng lượng. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết của hai Chính phủ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do toàn diện và chất lượng cao giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
4. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, nhằm trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm; tiếp tục tổ chức các cơ chế tham vấn chính trị thường kỳ và đối thoại nhân quyền. Hai Thủ tướng thảo luận về tầm quan trọng của các thể chế luật pháp quốc tế, trong đó có vai trò của Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
5. Hai bên nhất trí cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai các hành động quan trọng nhằm chống lại biến đổi khí hậu và cam kết tìm kiếm các hình thức hợp tác qua đàm phán đa phương nhằm tiến tới một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc về pháp lý. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển (REDD ); khẳng định Na Uy và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác nhằm giảm phát thải trong ngành lâm nghiệp thông qua Chương trình REDD của LHQ tại Việt Nam.
6. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương tại các diễn đàn khu vực và đa phương. Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng đánh giá cao việc thông qua Tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác ASEAN – Na Uy tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 vào tháng 8-2014 và nhận thức rõ tiềm năng hợp tác mở rộng sau khi quan hệ Ðối tác giữa Na Uy và ASEAN được chính thức hóa.
7. Hai Thủ tướng cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam và Na Uy ủng hộ môi trường quốc tế công bằng, bình đẳng, được quy định bởi luật pháp, với nền tảng là hệ thống đa phương, trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm trong giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại và tham vấn, phù hợp Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Hai Thủ tướng tái khẳng định cam kết tôn trọng và tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, thịnh vượng và thúc đẩy an ninh, an toàn và hợp tác hàng hải, tự do hàng hải, hàng không, thương mại, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()