Thông cáo chung giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét Sếch Ha-xi-na đã thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 2 đến 4-11-2012. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên, có ý nghĩa lịch sử của Thủ tướng Sếch Ha-xi-na.2. Lễ đón chính thức Thủ tướng Sếch Ha-xi-na đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội ngày 2-11-2012. Trong chuyến thăm,Thủ tướng Sếch Ha-xi-na đã hội đàm chính thức và dự chiêu đãi trọng thể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Băng-la-đét và thăm một số cơ sở kinh tế và văn hóa tại Hà Nội. Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra Thông cáo chung.3. Hội đàm song...
2. Lễ đón chính thức Thủ tướng Sếch Ha-xi-na đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội ngày 2-11-2012. Trong chuyến thăm,
Thủ tướng Sếch Ha-xi-na đã hội đàm chính thức và dự chiêu đãi trọng thể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Băng-la-đét và thăm một số cơ sở kinh tế và văn hóa tại Hà Nội. Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra Thông cáo chung.
3. Hội đàm song phương diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên thông báo cho nhau về tình hình chính trị và kinh tế của mỗi nước. Thủ tướng Sếch Ha-xi-na ca ngợi cuộc đấu tranh dũng cảm giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới thời gian qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chúc mừng những thành tựu to lớn mà Chính phủ và nhân dân Băng-la-đét giành được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của Băng-la-đét ở khu vực và trên thế giới.
4. Hai nhà lãnh đạo hài lòng về sự phát triển và đa dạng của mối quan hệ song phương trong gần 40 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11-2-1973. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước nhằm củng cố hơn nữa quan hệ song phương. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Băng-la-đét đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Băng-la-đét. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nhận lời. Thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp qua kênh ngoại giao. Thủ tướng Băng-la-đét cũng mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Băng-la-đét trong thời gian tới.
5. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại và đầu tư, thông tin – truyền thông và nông nghiệp. Hai bên nhất trí sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Băng-la-đét và cuộc Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao lần thứ nhất để kiểm điểm và đề ra phương hướng hợp tác giữa hai nước trong những năm sắp tới.
6. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng thông qua việc trao đổi đoàn ở tất cả các cấp; trao đổi kinh nghiệm tham gia các Hoạt động gìn giữ Hòa bình của LHQ và hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và buôn người. Nhân dịp này, phía Băng-la-đét đã tái khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập quan hệ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác của Băng-la-đét trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và cung cấp logistic.
7. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Chăn nuôi và Thủy sản nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét về hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản; gia hạn Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ký ngày 22-3-2004 tại Đắc-ca; Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETTRADE) thuộc Bộ Công thương nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Xúc tiến xuất khẩu (EPB) thuộc Bộ Thương mại nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét; Thỏa thuận hợp tác thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Băng-la-đét – Việt Nam và Hội
đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Băng-la-đét giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp Băng-la-đét (FBCCI). Hai nhà lãnh đạo khẳng định các thỏa thuận này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ và các ngành liên quan của hai nước triển khai và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
8. Nhân dịp này, phía Băng-la-đét đã chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại song phương và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị nồng ấm và phát triển hợp tác giữa hai nước.
9. Hai bên bày tỏ hài lòng về sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Thông tin – Truyền thông, đặc biệt trong việc đưa tin nhân dịp các sự kiện kỷ niệm lớn và các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó đã góp phần thúc đẩy quan hệ của mỗi nước. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và hợp tác chuyên ngành trong lĩnh vực bưu chính và viễn thông.
10. Hai bên đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trên tinh thần đó, hai bên khẳng định ủng hộ lẫn nhau trong việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (2014-2016) và Băng-la-đét ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (2015-2017). Băng-la-đét bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Băng-la-đét trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM).
11. Hai bên đồng ý tiếp tục cùng nhau hợp tác trong việc thể chế hóa một thỏa thuận toàn cầu để ứng phó các thách thức về biến đổi khí hậu trong bốn kênh hành động đã được thừa nhận gồm thích ứng, làm giảm tác động, tài trợ và chuyển giao công nghệ. Hai bên cũng nhấn mạnh rằng các nước phát triển phải đi đầu trong việc đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí thải, cung cấp tài chính và chuyển giao công nghệ và các nước đang phát triển cũng phải có trách nhiệm ở mức độ khác nhau về vấn đề này.
12. Việt Nam ghi nhận mong muốn của Băng-la-đét trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN), tham gia Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hợp tác sông Hằng – sông Mê Công (MGC) và sẽ đề cập vấn đề này với các nước thành viên khác.
13. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về kết quả tích cực của chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Băng-la-đét Sếch Ha-xi-na, cho đây là một minh chứng của mối quan hệ đang được tiếp tục phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
14. Thủ tướng Băng-la-đét Sếch Ha-xi-na cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu dành cho Thủ tướng và Đoàn đại biểu Băng-la-đét trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam.
Hà Nội, ngày 4-11-2012
Theo Nhandan
Ý kiến ()