Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017
Ngày 4/5/2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2017; Báo cáo chuyên đề về kịch bản, phương án, các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV và cả năm 2017.
Đồng thời, Chính phủ đã dành 1/2 thời gian phiên họp cho công tác xây dựng thể chế, thảo luận về các dự thảo nghị định: Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và Khai thác cảng biển; Nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cùng với các báo cáo về cơ chế chính sách: Báo cáo tổng hợp về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản lãi tiền gửi ngân hàng của cơ sở giáo dục đại học công lập thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động; Báo cáo về việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020…
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát những kết quả nổi bật đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 4/2017, trong đó nêu rõ kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố). Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi (nhất là sản xuất công nghiệp, tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn mức 4,2% của quý I). Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%; xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tăng 15,4%.
Vốn FDI đăng ký mới tính chung 4 tháng đầu năm là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016; thu NSNN tăng khá (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Số DN thành lập mới đạt kết quả tích cực (gần 40.000 DN đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng).
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm ước tăng 9,6% so với cùng kỳ; du lịch có bước khởi sắc, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tổng lượng khách quốc tế 4 tháng ước đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ; xuất nhập khẩu duy trì được đà tăng trưởng; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện; các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, tác đối ngoại và hội nhập quốc tế… được tập trung chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững;…
Tại phiên họp, Bộ KH&ĐT nêu dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các kịch bản tăng trưởng của các quý còn lại và cả năm 2017, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp, nhóm giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2017 nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,7%.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đã tính toán, chi tiết hóa phương án tăng trưởng trong 9 tháng còn lại, bình quân hằng tháng GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm 2011-2016, cụ thể từng quý là: Quý II tăng 6,26%, quý III tăng 7,29% và quý IV tăng 7,49%. Kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% trên GDP, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng cùng với các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết, khí hậu… đều thuận lợi.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cơ bản bày tỏ đồng tình với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo cũng như kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế của quý II, III, IV và cả năm 2017 được Bộ KH&ĐT xây dựng. Trong các báo cáo của mình, lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Xây dựng, Văn hóa-Thể thao và Du lịch,… cho biết hàng loạt những giải pháp mà các bộ, ngành sẽ tập trung chỉ đạo cũng như quyết tâm mạnh mẽ thực hiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2017.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với Báo cáo cũng như kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV và cả năm 2017 được Bộ KH&ĐT xây dựng; nhấn mạnh, qua phân tích, đánh giá kết quả tháng 4 và 4 tháng cho thấy nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT và ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể đối với các khu vực và cả nước trong 3 quý còn lại và cả năm 2017. Thủ tướng yêu cầu, ngay sau phiên họp này, Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát cụ thể từng chỉ tiêu, thống nhất với các bộ, ngành để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn và phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ càng khó khăn thì quyết tâm càng phải lớn và người đứng đầu càng phải thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là sự chủ động sáng tạo và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương phải quyết liệt vào việc một cách cụ thể, chỉ đạo ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra. Lấy chủ đề của năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”làm trọng tâm hành động, tạo chuyển biến thực chất, kết quả rõ ràng, tích cực hơn trong những tháng tới.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng địnhChính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra bởi thực hiện được các mục tiêu này mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như NSNN, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, đối với lĩnh vực công thương, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để bảo đảm được chỉ tiêu tăng trưởng.
Về xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương, tinh thần là năm 2017-2018 phải xử lý xong. Đồng thời, ngoài 12 dự án này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ DNNN để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Tập trung phát triển thương hiệu ngành hàng, sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bảo đảm cung ứng điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt những tháng cao điểm mùa Hè. Phấn đấu tăng trưởng ngành sản xuất, phân phối điện cả năm đạt 11,5%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thị trường trong nước, quốc tế, bảo đảm tăng trưởng từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản để đạt được mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp cả năm khoảng 3%.
Về giá cả, thị trường nông sản, cần tập trung rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, quản lý vật tư nông nghiệp, chất lượng hàng hóa, phát triển thị trường bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và hệ thống thông tin giá cả, thị trường; không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay.
Các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc tạm nhập tái xuất. Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.
Từng bước thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Theo dõi sát diễn biến thời tiết, lượng mưa, mực nước các sông suối, hồ chứa; làm tốt công tác phòng chống hạn hán, úng ngập khi mùa mưa lũ đang đến gần. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và đóng cửa rừng tự nhiên.
Đối với khu vực dịch vụ, đây là khu vực tăng trưởng quý I cao nhất (đạt 6,52%), Thủ tướng yêu cầu cần phát huy kết quả đạt được và phải làm tốt hơn, để khu vực này làm một động lực của tăng trưởng.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần có giải pháp cụ thể về từng ngành hàng, sản phẩm chủ lực, từng thị trường, từng đối tác; rà soát, kiểm soát được việc nhập khẩu các hàng hóa trong nước sản xuất được. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất hàng xuất khẩu, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Chỉ đạo thương vụ, cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các DN, hiệp hội ngành hàng để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đặc biệt chú trọng phát triển và quản lý tốt thị trường trong nước, nhất là hệ thống siêu thị. Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm về bán hàng đa cấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu khẩn trương rà soát danh mục để hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Đổi mới quản trị, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ tài chính và hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát lại tình hình thu hút, thực hiện các dự án FDI, có biện pháp nâng cao chất lượng thu hút FDI.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra; có các giải pháp, chính sách phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao…) gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; trong đó chú trọng đẩy mạnh cho vay gói 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm nêu trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng làm tốt nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, cần chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển đại học, cao đẳng; thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện và tăng cường phòng chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh mùa hè; thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo;…
Chỉ đạo thực hiện các giải pháp lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, rà soát, không để tiếp diễn tình trạng vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, coi thường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý nghiêm các vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các Nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành. Yêu cầu Văn phòng Chính phủ, trực tiếp là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo cụ thể tại phiên họp Chính phủ hằng tháng.
Cuối cùng về thông tin truyền thông, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động thông tin chính xác, kịp thời về tình hình KT-XH và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành; chú trọng thông tin về những mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình trên các lĩnh vực, góp phần tạo đồng thuận xã hội, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017./.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()