Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019
Ngày 31/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; kinh tế-xã hội tháng 1 năm 2019; công tác phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; việc xử lý các vướng mắc liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; phương án giao đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; một số dự án luật…
Phát biểu mở đầu phiên họp, sau khi điểm lại những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội mà đất nước ta đạt được trong tháng đầu tiên của năm 2019, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục đổi mới, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết; theo dõi sát tình hình thị trường, nhất là giá cả dịp Tết để không có yếu tố bất ngờ xảy ra, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định kinh tế-xã hội tháng 1 năm 2019 chuyển biến tích cực, là bước khởi đầu thuận lợi để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã được đề ra. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó khẳng định quyết tâm cao thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho năm 2019.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, chăm lo hỗ trợ người nghèo, nhân dân vùng bị thiên tai, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa được triển khai, tạo bầu không khí ấm áp, sẻ chia trong toàn xã hội trong dịp Tết đến, Xuân về.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh tế-xã hội tháng 1 nhìn chung phát triển tích cực, lành mạnh; các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Sau khi phân tích bối cảnh, tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với chủ đề của năm 2019 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong 2 Nghị quyết được Chính phủ ban hành ngay đầu năm và chương trình hành động của từng bộ, ngành, địa phương; tuyệt đối không được chủ quan trước những biến động của tình hình khu vực và quốc tế vì độ mở của nền kinh tế nước ta là rất lớn.
Đồng thời, bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng; quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất của năm 2019. Từng đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành cần đặc biệt quan tâm, sâu sát chỉ đạo thực hiện từng chỉ tiêu đề ra đối với bộ ngành mình; thường xuyên giao ban, kiểm điểm hàng tháng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu để có đối sách phù hợp, kịp thời trước những biến động trong nước và quốc tế.
Tập trung điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, hiệu quả hơn, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Tín dụng cần được mở rộng và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển, hạn chế tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng bất động sản và chứng khoán; phấn đấu hạ lãi suất cho vay để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế; xử lý và ngăn chặn hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; bảo đảm nguồn chi trả lương, chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu theo mục tiêu đã đề ra. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ kiểm tra chuyên ngành. Tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó chú ý đến cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp đạt 45 tỷ USD trong năm 2019; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ và du lịch. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu; quản lý chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là hoạt động lữ hành, lưu trú.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh có khả năng lây lan cao, dịch bệnh theo mùa, sốt xuất huyết. Chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tại các lễ hội.
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tập trung phòng chống, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; tăng cường kỷ luật phát ngôn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần chủ động và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, lan tỏa tinh thần, khát vọng của dân tộc; khích lệ nhân dân phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới; động viên doanh nhân, doanh nghiệp và người dân quyết tâm chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, để nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Trong đó phải bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa Tết; chủ động nắm tình hình đời sống nhân dân; hướng dẫn và tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán 2019…
Kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu nổi lên trong dịp Tết, gian lận thương mại, nhất là tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và đốt pháo nổ.
Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết.
Các bộ, ngành hữu quan, địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội;…
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019./.
Ý kiến ()