Thông cáo báo chí ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Chính phủ với các địa phương
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 diễn ra từ ngày 28-29/12.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội sáng 28/12 có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ;…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tầm quan trọng của Hội nghị này khi lần đầu tiên Hội nghị Chính phủ với địa phương có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; khẳng định đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
“Hội nghị sẽ cho chúng ta câu trả lời rõ ràng hơn, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp phải làm gì và làm như thế nào để sự phát triển của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam không bị dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh cho mọi người dân Việt Nam và không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Nêu bật những kết quả đạt được trong năm 2017 cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bước vào năm 2018, các cấp, các ngành cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm 2018 và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 được trình ra Hội nghị, đó là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, của hệ thống hành chính trong siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cùng với những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết số 01 ngay sau Hội nghị để cả hệ thống hành chính sớm bắt tay vào nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Quốc hội đã đề ra cho năm 2018 và cả giai đoạn 2016-2021.
Trong ngày làm việc đầu tiên (28/12), Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội năm 2017; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan trình bày các báo cáo về: tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Quảng Nam, Nghệ An,…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động của năm 2018 là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”; xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Quan điểm trên của Chính phủ nhận được sự đồng thuận cao trong các phát biểu thảo luận tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “Năm 2017 chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý. Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng trên khắp cả nước”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung phân tích các nhân tố, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm dẫn tới những thành công của năm 2017, đó là nhờ những kết quả, thành tựu của nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2016 với thành công rực rỡ của Đại hội Đảng lần thứ XII. Nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ráo riết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị. Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực hiện ngày càng tốt hơn cả ba chức năng là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ, chính quyền các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Quốc hội; chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề mới phát sinh, vượt quá thẩm quyền… Đồng thời, Tổng Bí thư cũng lưu ý các cấp, các ngành phải “tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Đề cập đến các vấn đề cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, thứ nhất , phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII. Trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước – thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai , cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu trong thời gian tới. Phải nhận thức và quán triệt sâu sắc mô hình tăng trưởng mà nước ta xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tài năng, trí sáng tạo của con người và mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước; tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua những thách thức, nắm bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại.
Thứ tư , quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Khẩn trương tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng trình Hội nghị Trung ương 7 khoá XII xem xét, quyết định về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp và Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách đối với người có công. Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Thứ năm , kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh. Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức tốt các hoạt động song phương, đa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hội nhập, nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và không ngừng nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp về thương mại và đầu tư quốc tế. Làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiếp công dân. Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
“Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm ‘chùn’ sự chỉ đạo hay làm ‘chậm lại’ sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu./.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()