Thông cáo báo chí chung Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản
Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước nhằm thảo luận, thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc, đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 7-10/8, sáng 7/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản và tiến hành hội đàm.
Sau phiên họp Ủy ban Hợp tác, hai bên đã ra Thông cáo báo chí chung.
Sau đây là toàn văn Thông cáo báo chí chung Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản.
1. Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 7/8/2024.
2. Đoàn Việt Nam do Ngài Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu. Đoàn Nhật Bản do Bà Kamikawa Yoko, Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu. Cùng tham dự Kỳ họp có đại diện các bộ, ngành hữu quan của hai nước.
3. Hai bên hoan nghênh việc tái khởi động Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản sau 5 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, là kỳ họp đầu tiên được tổ chức sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thực chất, toàn diện cả về lượng và chất, tương xứng với tầm vóc của khuôn khổ quan hệ mới.
Hai Bộ trưởng tái khẳng định Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước nhằm thảo luận, thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc, đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục và đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương..., và trong các lĩnh vực mới như DX/GX, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Đánh giá tiến triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản kể từ Kỳ họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 11 (5/2019)
4. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển vượt bậc của quan hệ hai nước kể từ sau kỳ họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 11 diễn ra vào tháng 5/2019, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19; nhấn mạnh một số thành quả nổi bật như: nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 11/2023, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội với 200 đoàn trao đổi giữa hai nước, phối hợp tổ chức thành công năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 500 hoạt động có ý nghĩa tại cả hai nước, giá trị vốn vay bằng đồng yen trong tài khóa Nhật Bản 2023 đã lần đầu vượt 100 tỷ yen kể từ tài khóa 2017, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 13% lên mức 45 tỷ USD, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng hơn 40% lên hơn 76 tỷ USD, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng hơn 35% lên gần 570.000 người, số văn kiện, thỏa thuận hợp tác giữa địa phương hai nước đạt hơn 100 văn kiện...
Về quan hệ chính trị-ngoại giao
5. Hai bên nhất trí nỗ lực duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phấn đấu thực hiện ít nhất mỗi năm có 1 đoàn Lãnh đạo cấp cao mỗi bên thăm lẫn nhau; phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động đối ngoại, kỷ niệm lớn, quan trọng; thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tương ứng trong hệ thống chính trị của mỗi nước; nhất trí tiếp tục phối hợp trong các vấn đề khu vực, quốc tế tại các diễn đàn đa phương...
6. Hai bên hoan nghênh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao và nhất trí tiếp tục ủng hộ và hợp tác để các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của hai nước hoạt động thuận lợi.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và chương trình giao lưu cán bộ cấp cục, vụ giữa hai Bộ Ngoại giao, qua đó chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, lãnh sự, tuyên truyền, báo chí...
Về hợp tác kinh tế
7. Hai bên khẳng định tầm quan trọng về tăng cường liên kết kinh tế, hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế thông qua thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm hợp tác ODA, đầu tư, thương mại và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số (DX), chuyển đổi xanh (GX), chất bán dẫn...
Phía Nhật Bản tái khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Phía Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm bảo đảm nguồn cung điện ổn định, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính.
Hai bên khẳng định sự cần thiết của việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản.
8. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai cụ thể, hiệu quả và thực chất Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1, mang lại lợi ích cho cả hai bên, vì sự phát triển hơn nữa của hai nền kinh tế, thông qua khởi động các nhóm công tác theo từng nhóm vấn đề như Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á/chuyển đổi xanh (AZEC/GX); Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số (DX); Tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.
Hai bên nhất trí cân nhắc khả năng hợp tác xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa-hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam, trong đó lưu ý đến các đề xuất chính sách trong Báo cáo “Việt Nam 2045” do Trung tâm nghiên cứu kinh tế Đông Á-ASEAN (ERIA) soạn thảo và đã nộp lên Thủ tướng hai nước vào tháng 11/2023.
9. Phía Nhật Bản khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả, thực chất Kế hoạch hành động thực hiện Tầm nhìn đồng sáng tạo kinh tế ASEAN-Nhật Bản; tái khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Phía Việt Nam khẳng định tăng cường phối hợp để cùng thúc đẩy hiệu quả các sáng kiến của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa và thúc đẩy cụ thể AZEC như Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), Chương trình Chiến lược về Khí hậu và Môi trường ASEAN-Nhật Bản (SPACE)... trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy bảo đảm nguồn cung ổn định và chuyển dịch năng lượng của mỗi nước.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, phổ cập công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam.
10. Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển ngành bán dẫn, AI..., tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư, thương mại, chuyển giao khoa học công nghệ...
Phía Nhật Bản nhất trí xem xét tích cực khả năng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông, (bao gồm mạng 5G-6G), công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin, xã hội số...
11. Hai bên hoan nghênh những tiến triển tại các dự án trong Danh mục các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm (fact-sheet) đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí tháng 12/2023 như Dự án Xây dựng tuyến đường sắt số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn Bến Thành-Suối Tiên), Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội), Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2, Dự án tăng cường biện pháp phòng chống, ứng phó với bệnh viêm gan virus, Dự án Đại học Việt-Nhật...; nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai, đẩy mạnh các nỗ lực của hai bên nhằm giải quyết khó khăn tồn đọng tại các dự án ODA, FDI của Nhật Bản tại Việt Nam.
12. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ làm sôi động hóa hợp tác ODA giữa hai nước trong thời gian tới. Phía Nhật Bản ghi nhận đề nghị của phía Việt Nam về việc thúc đẩy Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và Dự án phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai.
Hai bên tái khẳng định việc thúc đẩy và triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản trong khuôn khổ Hiến chương ODA mới, trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, trong đó ghi nhận tầm quan trọng của các yếu tố như tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt.
13. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác nông nghiệp chất lượng cao thông qua thu hút đầu tư, công nghệ và chuyển giao tri thức, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác hướng tới tăng cường tính chống chịu và bền vững của hệ thống nông nghiệp và thực phẩm thông qua đổi mới và bảo đảm an ninh lương thực khu vực và thế giới thông qua cơ chế "Kế hoạch hợp tác ASEAN-Nhật Bản MIDORI," “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản” và các thỏa thuận mà hai bên đã ký kết.
Hai bên nhất trí đẩy nhanh thảo luận cấp chuyên gia giữa hai chính phủ liên quan đến kiểm dịch thực vật để có thể sớm công bố mở cửa thị trường đối với quả bưởi của Việt Nam và quả nho của Nhật Bản.
14. Phía Nhật Bản cho biết đã chỉ định cán bộ phụ trách kinh tế khu vực tại cơ quan đại diện, trong đó có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản phát huy hơn nữa vai trò trong việc thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN, qua đó tăng cường tính thống thất, tính liên kết của khu vực ASEAN và phía Việt Nam hoan nghênh điều này.
Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương và giao lưu nhân dân
15. Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực IT, DX/GX, AI, bán dẫn..., hai bên nhất trí tìm kiếm phương pháp tăng cường hợp tác giữa các trường đại học hai nước, trong đó có Đại học Việt-Nhật; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và thúc đẩy nghiên cứu về Nhật Bản và Việt Nam, bao gồm ngành ngôn ngữ học, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Phía Nhật Bản nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản thông qua các chương trình học bổng, các chương trình nâng cao năng lực tiếng Nhật.
16. Hai bên nhất trí thúc đẩy thực hiện Chương trình phối hợp đào tạo 100.000 nhân lực chất lượng cao cho các nước ASEAN của Nhật Bản. Các cơ quan liên quan của hai nước sẽ phối hợp tích cực để xây dựng chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của hai bên.
Phía Nhật Bản nhất trí thảo luận về khả năng hợp tác với Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
17. Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển cả về chất và lượng của các hoạt động giao lưu văn hóa, bao gồm các Lễ hội Việt Nam, Lễ hội Nhật Bản tại cả hai nước trong thời gian qua; nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ và thể thao, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
18. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước, bao gồm cả du lịch.
Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp hàng không nghiên cứu khả năng mở thêm các đường bay mới, chuyến bay thuê chuyến giữa các địa phương hai nước. Hai bên hoan nghênh việc Nhật Bản thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân Nhật Bản sau Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ tháng 11/2023 và nhất trí tiếp tục thảo luận về khả năng Nhật Bản xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, mở rộng diện cấp thị thực điện tử...
19. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những kết quả mới, thực chất trong hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời gian qua; nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác địa phương hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch và lao động, tăng cường trao đổi đoàn, giao lưu, kết nối địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, bằng nhiều hình thức linh hoạt, bao gồm phối hợp tổ chức sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” tại các địa phương của Việt Nam.
20. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến phái cử và tiếp nhận người lao động và du học sinh Việt Nam.
Phía Việt Nam hoan nghênh chính sách mới của Chính phủ Nhật Bản đối với lao động nước ngoài, đặc biệt là việc thiết lập mới chế độ “đào tạo-làm việc” thay thế chế độ “thực tập kỹ năng.”
Chính phủ Nhật Bản tái khẳng định tiếp tục quan tâm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống và an sinh xã hội cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh đồng yen mất giá. Ngoài ra, hai bên nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Về hợp tác trong các lĩnh vực khác
21. Phía Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật mà Nhật Bản dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
22. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác y tế giữa hai nước. Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực y tế, hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng chính sách y tế... của Việt Nam.
Hai bên nhất trí cùng thảo luận đề nghị của phía Việt Nam về việc mong muốn Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
23. Phía Nhật Bản hoan nghênh và cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản thông qua các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
24. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ hướng tới thành công của Expo 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia Expo 2025 Osaka, Kansai và tổ chức Nhà Triển lãm Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tích cực nghiên cứu về khả năng tham gia Triển lãm Làm vườn Quốc tế tại Yokohama, Nhật Bản năm 2027.
25. Hai Bộ trưởng nhất trí tổ chức kỳ họp tiếp theo (kỳ họp lần thứ 13) của Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2025 tại Việt Nam. Thời gian cụ thể của kỳ họp sẽ được thu xếp qua các kênh ngoại giao.
Soạn thảo tại Tokyo ngày 7/8/2024, sao thành 2 bản, bằng tiếng Việt và tiếng Nhật./.
Ý kiến ()