Thứ 5, 28/11/2024 19:46 [(GMT +7)]
Thông báo vi phạm TTATGT về địa phương: Tăng hiệu quả răn đe, giáo dục
Thứ 2, 25/06/2012 | 08:21:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày 12/10/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư 38/2010 quy định về việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đến nơi người đó cư trú, học tập hoặc công tác. Sau hơn một năm triển khai, việc thông báo vi phạm về TTATGT đã mang lại hiệu quả nhất định trong tuyên truyền, giáo dục người vi phạm.
CSGT huyện Cao Lộc xử phạt vi phạm hành chính
người điều khiển phương tiện vi phạm Luật GTĐB
Điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ quy định, không mang theo đăng ký xe, trong hơi thở có nồng độ cồn vượt “ngưỡng” cho phép, ngoài việc bị xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe 30 ngày, anh Vũ Hồng Tuấn, trú tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng còn “được” gửi thông báo vi phạm về địa phương để tổ dân phố đưa ra nhắc nhở. Đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp vi phạm TTATGT được Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn gửi thông báo về nơi cư trú, công tác, học tập trong hơn một năm trở lại đây.
Theo Thông tư 38/2010 của Bộ Công an (có hiệu lực từ 29/11/2010), người thực hiện hành vi vi phạm hành chính về TTATGT mà theo quy định của pháp luật, ngoài hình thức phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép điều khiển phương tiện thì vi phạm của họ sẽ được thông báo bằng văn bản đến công an các xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú (học tập, công tác) để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục. Thông tư này cũng áp dụng đối với các trường hợp: người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép hợp lệ; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp, hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng về vụ TNGT; lợi dụng TNGT để xâm phạm sức khoẻ, tài sản người bị nạn; cản trở việc điều tra, kiểm soát của người thi hành công vụ… Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo phải vào sổ theo dõi, chuyển đến tổ trưởng dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm. Nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên thì chuyển đến cơ quan, trường học.
Quy định cụ thể các trường hợp phải thông báo vi phạm, huy động được nhiều lực lượng cùng vào cuộc, đặc biệt là công an phường, xã, thị trấn trong tiếp nhận chuyển thông báo, theo dõi và phối hợp giáo dục, kiểm điểm người có hành vi vi phạm hành chính về TTATGT; nên sau khi đi vào cuộc sống, Thông tư 38 đã góp phần nhất định trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho nhân dân. Thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, chỉ tính từ 1/1-18/6/2012, Phòng đã gửi 544 thông báo người vi phạm TTATGT về địa phương, trong đó 279 trường hợp có phản hồi (Lạng Sơn 170, ngoại tỉnh: 109). Thiếu tá Nguyễn Đại Thắng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông cho biết: Với Thông tư 38, nếu vi phạm quy định về TTATGT, người tham gia giao thông không chỉ bị xử phạt hành chính, xử phạt bổ sung mà còn có thể bị thông báo về địa phương và đưa ra phê bình trước tổ dân phố, cơ quan, trường học… bởi vậy, hiệu quả răn đe, giáo dục sẽ cao hơn so với khi họ chỉ bị xử phạt đơn thuần. Đồng nghĩa với đó là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT từng bước được nâng lên, góp phần ngăn ngừa, giảm tai nạn giao thông. Ông Hoàng Văn Vụ, Trưởng Công an xã Khánh Khê, huyện Văn Quan chia sẻ: Năm 2011, Công an xã nhận được 6 thông báo người vi phạm TTATGT do Công an huyện, Công an TP Lạng Sơn gửi về, ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đều chuyển đến từng thôn, bản đưa ra nhắc nhở, giáo dục người vi phạm nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung. Việc làm này đã có tác dụng răn đe, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho nhân dân, từ đầu năm 2012, xã chưa có trường hợp nào vi phạm TTATGT bị thông báo về địa phương.
Đạt được những kết quả nhất định song việc thực hiện Thông tư 38 đã và đang gặp phải một số vướng mắc, hạn chế như người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng lại làm ăn sinh sống ở nơi khác, không có mặt ở địa phương; hoặc khai không đúng địa chỉ… gây khó khăn cho việc gửi thông báo vi phạm; ở một số địa phương, chính quyền cấp xã thực hiện còn mang tính hình thức, kiểm điểm mang tính lấy “lệ” nên hiệu quả giáo dục, răn đe chưa cao. Với một tỉnh miền núi như Lạng Sơn, một vướng mắc nữa mà các huyện đều gặp phải đó là khó khăn về kinh phí cho việc chuyển thông báo từ xã, phường, thị trấn đến khối phố, thôn, bản… Bởi vậy, để việc thực hiện Thông tư phát huy hiệu quả, bên cạnh việc lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghiệp vụ để xác định chính xác địa chỉ người vi phạm thì lực lượng công an xã, phường, thị trấn cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt thực hiện thông báo vi phạm. Cùng với đó cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cơ quan, trường học trong việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho mọi tầng lớp nhân dân.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()