Thôn Quyết Tiến “cần”, “kiệm” theo gương Bác
Thu hoạch lúa ở thôn Quyết Tiến, huyện Hữu Lũng |
Ông Hoàng Văn Nam, Bí thư Chi bộ thôn và ông Nông Văn Hải, trưởng thôn Quyết Tiến cho biết: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03, hiện này là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã được thôn triển khai đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân theo kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Quyết Tiến là một thôn thuần nông, có 121 hộ dân sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Nùng và Cao Lan chiếm đa số. Chi bộ thôn có 27 đảng viên, số đảng viên này là nòng cốt của thôn trong mọi hoạt động. Họ chính là những người gương mẫu nhất trong lối sống, cư xử và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Từ khi triển khai học và làm theo Bác, các đảng viên của thôn đã chủ động trong mọi công việc, qua đó tạo nên những chuyển biến tích cực, rõ nét trên tất cả các mặt của đời sống. Đối với tập thể, chi bộ thôn đã đề ra kế hoạch thiết thực làm theo Bác, biến nhận thức thành hành động cụ thể trong việc vận động nhân dân toàn thôn tích cực “cần” “kiệm”, đóng góp tiền của, công sức làm mới và sửa chữa đường giao thông nội thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là việc tận dụng vùng đất ven núi đá để nuôi dê. Nhiều hộ dân đã được sử dụng nước sạch, đầu tư thêm máy xay xát, máy bơm nước và máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch lúa.
Ông Hoàng Văn Nam, Bí thư Chi bộ thôn Quyết Tiến khẳng định: Thực hành học và làm theo Bác, đảng viên và nhân dân trong thôn đã lựa chọn cho mình việc làm theo Bác ở chữ “cần” và chữ “kiệm”. Theo ông Nam, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhân dân chăm chỉ, chuyên cần tìm thêm việc làm mới để tăng thu nhập, rồi họ sử dụng thành quả lao động cũng như các sản phẩm làm ra một cách hợp lý, có kế hoạch trong từng thời gian nên kinh tế của mọi gia đình đã ổn định hơn, cuộc sống của người dân trong thôn đã có bước cải thiện đáng kể.
Theo thống kê của thôn, đến nay, toàn thôn đã có 15/121 hộ gia đình làm kinh tế giỏi, 95/121 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% trẻ em đến độ tuổi được đi học, không có tình trạng bỏ học, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm (năm 2015), năm 2010 chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm. Những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin đã dần được xóa bỏ. Người dân trong thôn luôn đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày, qua đó chung tay xây dựng bộ mặt của thôn ngày càng đổi mới.
Điều mà tôi tâm đắc nhất khi được tiếp xúc với lãnh đạo thôn cũng như gặp gỡ một số người dân nơi đây là việc đi họp, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, triển khai các công việc của chính quyền đã có nhiều chuyển biến. Trước đây, nhân dân, kể cả đảng viên thường đi họp muộn hoặc trốn họp nhưng nay, mọi người đã đi họp đúng giờ, đảm bảo số lượng tham dự đầy đủ, đồng thời hăng hái phát biểu ý kiến để xây dựng chi bộ, thôn bản thêm vững mạnh trên các mặt: phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn trật tự trị an… Đó chính là biểu hiện của việc tiết kiệm về thời gian, công sức và tiền của mà Bác đã dạy, làm cho các cuộc họp thêm hiệu quả, tránh tình trạng nhiều người phải chờ đợi một vài người.
Qua việc triển khai, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được nâng lên. Lực lượng thanh niên sau khi học xong phổ thông hoặc tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp đã tích cực tìm việc làm, tham gia xây dựng thôn bản, luôn tin vào Đảng, tin vào đội ngũ cán bộ thôn. Và chính họ là nguồn để thôn bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, tăng cường sức chiến đấu cho chi bộ thôn. Chẳng thế mà thời gian gần đây, chi bộ đảng của thôn đã tăng thêm 7 đảng viên. Chi bộ thôn đã đề ra nghị quyết, kể từ năm 2016 trở đi, thôn sẽ bồi dưỡng và đề nghị cấp ủy cấp trên kết nạp mỗi năm một đảng viên mới. Chi bộ thôn Quyết Tiến luôn được Đảng ủy xã đánh giá là chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh; Bí thư Chi bộ thôn được phân loại là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền.
Ý kiến ()