Thôn Đá Đỏ: Mong một cây cầu
(LSO) – Thôn Đá Đỏ, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng bị chia cắt với trung tâm xã bởi dòng sông Thương chảy qua địa bàn. Chính điều này khiến nhiều năm qua, việc đi lại của người dân thôn Đá Đỏ gặp không ít khó khăn. Cụ thể như muốn đến trung tâm xã thì đều phải sử dụng đò để qua sông. Từ lâu, người dân thôn Đá Đỏ luôn mong được Nhà nước đầu tư, xây dựng một cây cầu để giúp người dân đi lại thuận tiện, không còn nỗi lo mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Thôn Đá Đỏ cách trung tâm xã khoảng 5 km, ở phía đông bắc của xã Cai Kinh, với 99 hộ dân. Nhiều năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, sự nỗ lực của người dân nên đời sống kinh tế từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của bà con trong thôn là không có con đường đi lại. Hoạt động giao thương giữa thôn Đá Đỏ với các thôn, các xã khác đều bị ảnh hưởng cách trở bởi dòng sông Thương.
Bà Linh Thị Đào, Trưởng thôn Đá Đỏ cho biết: Nửa bên này thôn có dòng sông Thương chảy qua, còn nửa bên kia giáp với các xã: Hồ Sơn, Tân Thành thì ngăn cách bởi con suối. Vào mùa mưa hay những ngày nước sông lên cao, thôn trở thành một “ốc đảo” tách biệt không thể đi lại với các thôn, xã khác.
Việc đi lại của người dân thôn Đá Đỏ rất khó khăn vì phải qua sông bằng đò
Để qua sông, từ năm 2000 về trước, bà con dùng cây chuối kết bè, sau đó lội sông hoặc bơi để đẩy bè chuối giúp các em nhỏ qua sông đến trường, còn người lớn muốn “vượt sông” thì chỉ có cách lội sang. Mỗi hộ trong thôn đóng góp 2 cây tre ghép lại thành cầu để đi lại qua sông nhưng chỉ đi được những hôm nước cạn, khi mùa mưa lũ về cầu lại bị cuốn trôi. Cứ như vậy, nhiều năm qua, người dân trong thôn vẫn kiên trì dựng lại cây cầu tạm sau mỗi mùa mưa lũ để nối “hai nửa” của xã.
Từ năm 2015 đến nay, bà con trong thôn góp tiền (250 nghìn đồng/hộ) để đóng con đò bằng sắt. Chỉ với những sợi dây thép chằng, níu, tấm bạt che ngang nhưng mỗi ngày, con đò đơn sơ ấy chở hàng trăm lượt trẻ em đi học, người lớn đi làm, đi chợ… qua sông.
Anh Hứa Văn Được, người làm nghề kéo đò qua sông nhiều năm nay tâm sự: Việc đi lại bằng đò không phải lúc nào cũng an toàn, những hôm nước cạn thì dễ nhưng những hôm nước sông lên to đi lại rất nguy hiểm. Đã có nhiều lần con đò bị lật, khiến cả người và phương tiện rơi xuống sông. Ví dụ như vụ lật đò năm 2018, có 4 – 5 trẻ nhỏ đang đi học rơi xuống sông, rất may các em biết bơi và được cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng, còn những chiếc xe 2 – 3 tuần sau mới tìm thấy.
Được biết, con đò hiện nay đã là con đò thứ 3, 2 con đò trước đó đã bị hỏng không sử dụng được. Hằng năm, người dân trong thôn phải sửa chữa lại đò từ 1 – 2 lần, bên cạnh số tiền bà con đóng góp, UBND xã dành kinh phí từ 4 – 5 triệu/năm để hỗ trợ việc sửa chữa đò cho thôn.
Mặc dù vậy, con đò chỉ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân vào mùa khô, còn mùa mưa lũ mọi hoạt động phải tạm ngừng, các em học sinh phải nghỉ học vì không thể sang sông. Do đó, năm nào cũng có 3 – 4 em học sinh trong thôn bỏ học, tỷ lệ học sinh học hết cấp 3 rất ít.
Không chỉ vậy, sự cách biệt còn khiến nông sản của gần 100 hộ dân thôn Đá Đỏ làm ra khó tiêu thụ hơn so với các thôn khác. Bà Hoàng Thị Bình, người dân thôn Đá Đỏ cho biết: Nhiều năm trước, bà con trong thôn trồng rất nhiều vải, vào mùa thu hoạch có thể thu nhập tới vài chục triệu đồng. Nhưng hiện nay, một phần do giá cả thấp, chủ yếu là khi được thu hoạch, nhiều lần gặp nước sông lên không thể mang đi bán được. Hiện bà con đã chặt hết vải để trồng rừng. Ngoài ra, các loại hàng hóa khác cũng đều bị ép giá, thấp hơn so với ngoài xã, do vậy chúng tôi rất mong muốn có một cây cầu không chỉ để đi lại thuận tiện mà còn giúp việc giao thương dễ dàng hơn.
Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Không có cây cầu đi lại khiến mọi hoạt động của thôn đều khó khăn. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện, tỉnh và Sở Giao thông vận tải đã xuống quan trắc, lập dự toán dự kiến xây dựng cây cầu nối qua thôn Đá Đỏ trong năm 2019.
Thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần sớm quan tâm đầu tư, khởi công xây dựng cây cầu đảm bảo cho người dân thôn Đá Đỏ đi lại an toàn, phục vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()