Thơm ngon đậu phụ Na Sầm
– Nhắc đến đậu phụ, chắc hẳn ai cũng biết đến đậu phụ Na Sầm, huyện Văn Lãng – món ăn từ lâu đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Với những bí quyết riêng trong chế biến và bảo quản đã tạo nên hương vị riêng có cho đậu phụ Na Sầm, từ nghề làm đậu phụ truyền thống này đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Những ngày đầu tháng 9/2022, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất đậu phụ của gia đình bà Triệu Thị Nao, khu 3, thị trấn Na Sầm – một trong những hộ sản xuất đậu phụ có tiếng trên địa bàn thị trấn. Bà Nao chia sẻ: Gia đình tôi đã làm nghề này được hơn 20 năm. Để làm được một mẻ đậu ngon, đầu tiên phải chọn loại đỗ tương ngon, hạt to, đều, không bị lép. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm 2 mẻ đậu để bán vào buổi sáng và buổi chiều, bình quân mỗi ngày bán khoảng 400 bìa, thu lãi 600 nghìn đồng/ngày.
Người dân thị trấn Na Sầm sản xuất đậu phụ
Không chỉ gia đình bà Nao, hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Lãng có gần 50 hộ làm nghề sản xuất đậu phụ, chủ yếu ở thị trấn Na Sầm. Trung bình mỗi ngày, các hộ tiêu thụ từ 250 đến 300 bìa đậu, với giá 4.000 đồng/bìa, thu nhập đem lại từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng/hộ/năm.
Theo các hộ làm đậu ở đây, nghề làm đậu không quá phức tạp nhưng phải thực hiện qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian. Theo đó, các hộ phải dậy từ 3 giờ sáng để làm những mẻ đậu bán buổi sáng, từ 12 giờ trưa thì làm mẻ đậu bán chiều. Các công đoạn làm đậu cũng rất cầu kỳ: Đầu tiên, phải chọn loại đỗ tương ngon, hạt to đều, tròn mình, chắc mẩy. Sau khi rửa sạch, đỗ được ngâm nước khoảng 1 đến 2 tiếng, sau đó cho vào máy xay thành bột, tiếp đến cho vào máy lọc – vắt lấy nước, rồi cho vào xoong đun sôi thì đổ ra chậu, sau đó tiến hành công đoạn pha chế đến khi nước đậu kết tủa thành tảng thì vào khuôn gói thành từng cái đậu. Công đoạn gói khá mất thời gian, bởi người dân phải gói lại 2 lần để miếng đậu vuông vắn, đẹp mắt. Khi nén đậu thì phải nén cho đậu rắn chắc tay để khi chế biến đậu không bị nát. Hiện nay, nhiều gia đình làm đậu đã đầu tư máy lọc nước đậu thay vì làm thủ công như trước đây, giúp giảm sức lao động trong quy trình chế biến.
Điểm khác biệt của đậu Na Sầm so với đậu của nơi khác là ở hương vị rất thanh mát đặc trưng, dù ăn sống hay chiên rán đều rất hấp dẫn và giữ được hương thơm tự nhiên của đỗ tương. Lý do tạo nên sự khác biệt đó chính là do người dân nơi đây sử dụng nước nguồn mát để làm đậu. Trong quá trình làm đậu, điều quan trọng nữa là phải pha đúng tỷ lệ của nước và nước đậu chua để đậu phụ có độ mềm vừa phải mà không bị nát. Bên cạnh đó, việc bảo quản gói đậu trong những miếng vải vuông màu trắng cũng giúp đậu Na Sầm đảm bảo vệ sinh, tăng uy tín đối với thực khách. Hiện nay, đậu phụ Na Sầm không chỉ được tiêu thụ trong huyện, nhiều khách hàng ở các huyện, tỉnh lân cận cũng thường xuyên mua thưởng thức bởi vị thơm ngon đặc trưng.
Đậu phụ thành phẩm
Chị Trần Thị Sơn, du khách đến từ tỉnh Cao Bằng cho biết: Tôi có người họ hàng ở Lạng Sơn, mỗi lần đi xe khách qua huyện Văn Lãng đều dừng mua đậu về thưởng thức và làm quà. Tôi thấy đậu ở đây mềm, ngọt và thơm hơn so với đậu phụ nhiều nơi khác nên ai cũng thích.
Mặc dù nghề làm đậu phụ đã có ở Văn Lãng từ lâu, đem lại thu nhập ổn định cho bà con, tuy nhiên việc sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa đem lại hiệu quả cao.
Ông Phùng Quang Huy, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Lãng cho biết: Thời gian qua, phòng cũng tham mưu cho huyện tuyên truyền, hướng dẫn các hộ xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), tuy nhiên do đặc điểm là đậu phụ chỉ bảo quản được trong ngày nên việc thực hiện còn gặp khó khăn. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền các hộ thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn các hộ thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất; tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký hỗ trợ theo nội dung hỗ trợ tại Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (về tem truy suất nguồn gốc sản phẩm).
Đậu phụ nói chung, đậu phụ Na Sầm nói riêng là một món ăn quen thuộc trong các bữa ăn của gia đình, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Tin rằng với việc người dân chú trọng sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ hương vị thơm ngon, đặc trưng và những hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu của cơ quan chức năng, thời gian tới, đậu phụ Na Sầm sẽ được bảo quản, tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()