Thơm ngon bánh phồng Tràng Định
– Bánh phồng hay còn gọi là pẻng khua (bánh cười) là loại bánh ngon truyền thống, độc đáo của người dân tộc Tày, Nùng huyện Tràng Định. Đây là món bánh được làm từ các nguyên liệu dân dã, bình dị như gạo nếp, khoai sọ, qua bàn tay khéo léo của người dân đã tạo nên một món bánh độc đáo với những hương vị khó quên cho những ai một lần được thưởng thức, đồng thời trở thành món quà quê mỗi dịp tết đến xuân về. Hiện nay, bánh phồng không chỉ được bán trong tỉnh mà người dân ở các tỉnh, thành khác cũng rất ưa chuộng.
Những ngày giữa tháng 12/2022, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Mộ Phương Nhia, khu 4, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định trong lúc gia đình ông đang khẩn trương làm bánh để kịp giao cho khách. Ông Nhia chia sẻ: Bánh phồng là món bánh truyền thống của gia đình, trước đây gia đình tôi chỉ làm để phục vụ nhu cầu của gia đình vào dịp tết. Tuy nhiên khoảng 6 năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã sản xuất để bán. Hằng năm cứ đến tháng 11, gia đình tôi lại tất bật sản xuất bánh phồng. Trong vòng 2 tháng (tháng 11, 12), gia đình sản xuất được khoảng 1,5 đến 2 tấn bánh phồng khô (chưa chao), thu nhập đem lại khoảng 60 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm của gia đình tôi không chỉ được tiêu thụ trong huyện mà còn được tiêu thụ ở các huyện khác trong tỉnh và một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang…
Trước kia, ở Tràng Định hầu như nhà nào cũng đều biết làm món bánh phồng. Cứ mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, các gia đình đều rộn ràng chuẩn bị nguyên liệu làm bánh để đặt lên bàn thờ tổ tiên và các mâm cúng lễ hội lồng tồng đầu năm thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ. Bánh phồng được mang ra mời khách thể hiện sự trân trọng, quý mến, cũng là một cách để “khoe” sự khéo tay của gia chủ. Đây cũng là món quà không thể thiếu khi con gái về chúc tết cha mẹ. Khi hết tết, các loại bánh này là lương khô mang theo của người Tràng Định khi đi lao động, sản xuất.
Theo những người làm bánh phồng ở huyện Tràng Định, để có được những chiếc bánh phồng thơm ngon cần phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, tỉ mẩn. Ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân đã đi chợ chọn loại gạo nếp thơm ngon, hạt tròn mẩy để làm bánh. Gạo được ngâm với nước tro lá rau đay, lá chuối hột hoặc lá mướp phơi khô để bánh mềm, ngon, khi chao tạo độ phồng. Sau khi ngâm, gạo được đồ thành xôi và đem đi giã cùng với bột củ khoai sọ, pha với chút rượu. Ở công đoạn này, người dân Tràng Định thường giã thủ công bằng tay để bột bánh mềm, dẻo dễ cán và cắt thành những miếng bánh hình tròn, mỏng, như bánh đa. Sau khi giã và cán, bột bánh được cắt thành từng miếng bằng hai ngón tay rồi đem phơi khoảng 5 đến 6 ngày đến khi khô. Công đoạn cuối cùng là chao bánh cho phồng và đảo đều bánh với nước đường phên đã sên cho đến khi lớp đường phên màu vàng óng kết đều trên bề mặt từng chiếc bánh.
Sản phẩm bánh phồng thành phẩm
Bà Lâm Thị Hải, khu 4, thị trấn Thất Khê cho biết: Bánh phồng ở Tràng Định đã có rất lâu đời, từ bé tôi đã được bà và mẹ dạy cách làm bánh. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tết, gia đình tôi lại tự tay làm bánh phồng để ăn và cúng gia tiên.
Hiện nay bánh phồng đã trở thành sản phẩm hàng hóa, trên địa bàn huyện Tràng Định có hơn 40 hộ sản xuất bánh phồng để bán dịp tết. Với mức giá dao động từ 10 đến 15 nghìn đồng/túi bánh thành phẩm; từ 80 đến 90 nghìn đồng/kg bánh đã phơi khô (chưa chao).
Chị Nguyễn Thị Ngân, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong một lần lên Lạng Sơn thăm họ hàng, tôi được ăn thử món bánh phồng. Đây là món bánh khá đặc biệt, khi ăn cảm nhận được vị thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường phên, dịp tết năm nào tôi cũng đặt mua bánh phồng Tràng Định để ăn, đãi khách.
Bà Nông Hải Lý, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Bánh phồng là món ăn truyền thống lưu truyền từ lâu đời qua nhiều thế hệ người Tràng Định. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, bánh phồng không chỉ là sản vật không thể thiếu trong ngày tết mà còn là món bánh truyền thống thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong tâm thức người Tràng Định. Vì vậy bên cạnh món bánh chưng truyền thống của người Việt thì bánh phồng chính là tết, là không khí ấm ám, là sự ngọt ngào, gắn kết của tình cảm gia đình thiêng liêng của người dân trong huyện.

Ý kiến ()