Thơm ngon bánh mảy nhừng Lộc Bình
Bánh mảy nhừng thành phẩm
– Mảy nhừng là món bánh độc đáo đã có từ lâu đời trên địa bàn huyện Lộc Bình. Từ những nguyên liệu dân dã, bình dị như bột gạo bao thai, thịt, mộc nhĩ và lá bắp cải, người dân đã tạo nên một món bánh có hương vị thơm ngon, đậm đà, khó quên.
Những ngày cuối tháng 11, tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Mai Thị Nhuần, khu Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình, người đã gắn bó với nghề làm bánh mảy nhừng hàng chục năm nay. Trò chuyện cùng chúng tôi bên bếp lửa bập bùng cùng nồi bánh mới chuẩn bị được ra lò, bà Nhuần chia sẻ: Mảy nhừng hay còn gọi là bánh nhừng là một món bánh đặc trưng của người dân trên địa bàn huyện. Để có được những chiếc bánh thơm ngon, mỗi công đoạn đều đòi hỏi ở người làm sự khéo léo, tỉ mỉ. Bánh mảy nhừng là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như gạo, thịt, lá bắp cải và một số loại gia vị như mộc nhĩ, rau mùi tàu, hạt tiêu…Để có được những chiếc bánh mảy nhừng thơm ngon, bùi béo, việc lựa chọn và sơ chế nguyên liệu đóng vai trò quyết định. Cứ cách vài ngày, gia đình lại làm bánh để mang ra chợ bán, với giá từ 2.500 đến 5.000 đồng/chiếc (tùy kích thước bánh).
Đối với gạo để làm bánh phải là loại gạo bao thai ngon, để dành từ vụ mùa năm trước. Hạt gạo phải to tròn, bóng mẩy. Trước khi xay thành bột nước, gạo sẽ được ngâm khoảng 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Sau đó, bột gạo được mang lên bếp đun nhỏ lửa, quấy đều cho đến khi sánh lại. Để bánh không bị dính, trước khi quấy, người làm bánh sẽ cho một chút dầu ăn vào nồi, tiếp đó đổ một lượng nước vừa đủ hòa tan cùng một chút muối, đun đến khi sôi mới cho bột gạo vào. Trong khi quấy, người làm phải đảo đều liên tục để có được độ sánh vừa phải, không quá đặc cũng không quá lỏng.
Người dân gói bánh mảy nhừng
Nhân bánh mảy nhừng chuẩn vị Lộc Bình được làm từ thịt lợn xào với mộc nhĩ, hạt tiêu và thêm một chút gia vị. Thịt được dùng để làm nhân phải là thịt lợn nạc vai xay nhỏ. Để nhân bánh thơm ngon, trước khi xào, người làm bánh cần phi thơm hành khô. Tiếp đó, thịt được cho vào đảo cùng mộc nhĩ, thêm hạt tiêu và nêm nếm gia vị vừa phải.
Trước đây, nguyên liệu để bọc bánh mảy nhừng chủ yếu là bẹ của củ măng tre hoặc măng mai nên bánh khá cứng và khó ăn. Để bánh trở nên ngon, ngọt và dễ ăn hơn, người dân đã sử dụng một số loại lá rau khác phù hợp với khẩu vị. Theo đó, ngày nay, người ta dùng lá bắp cải thay cho bẹ măng để gói bánh. Lá bắp cải vừa dễ kiếm, mềm lại có vị ngọt thanh mát nên rất được ưa chuộng. Bắp cải được lựa chọn để gói bánh phải là những cây bắp cải to, cuộn chặt. Sau khi lựa chọn được những cây bắp cải ưng ý, người làm sẽ khéo léo cắt bỏ cuộng và trần bắp cải với nước muối loãng đun sôi giúp lá cải xanh và ngấm gia vị.
Mỗi địa phương, mỗi gia đình sẽ có cách trộn nhân bánh mảy nhừng khác nhau. Thông thường, khi bột được đun trên bếp đạt độ sánh nhất định, người làm sẽ cho nhân bánh đã chế biến vào đảo cùng. Nhưng đối với bà Mai Thị Nhuần – người làm bánh mảy nhừng hơn chục năm nay lại có cách làm khác biệt. Theo đó, bột và nhân bánh được chế biến riêng, để nguội, sau đó mới trộn lại với nhau và cho thêm một chút rau mùi tàu. Theo bà Nhuần, cách làm này sẽ giúp nhân bánh không bị nhuyễn và giữ được hương vị nguyên bản của từng loại gia vị.
Sau khi đã hoàn thành các công đoạn chế biến nguyên liệu, người làm bánh sẽ dùng lá bắp cải gói phần bột đã trộn cùng nhân với kích thước vừa ăn và đem hấp cách thủy khoảng 30 phút.
Mảy nhừng khi chín sẽ có màu xanh đặc trưng của lá bắp cải, dẻo thơm của bột gạo quyện cùng vị béo của thịt lợn. Do bánh chủ yếu được làm bằng bột gạo và rau nên thời gian bảo quản khá ngắn. Nếu không bảo quản trong tủ lạnh, ở nhiệt độ bình thường, bánh sẽ chỉ dùng được trong ngày. Chính vì vậy, khách hàng chủ yếu là người dân trên địa bàn huyện Lộc Bình hoặc một số địa phương lân cận.
Bà Bế Thị Viện, thôn Khòn Tòng, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình chia sẻ: Mảy nhừng là món bánh dân dã, thân thuộc và rất dễ ăn. Mỗi lần tôi có bạn bè, họ hàng từ xa tới chơi, tôi thường ghé qua chợ để mua vài chiếc mời khách thưởng thức. Bánh có hương vị thơm ngon, bùi béo, dễ ăn nên từ người già đến trẻ nhỏ đều rất ưa thích.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Nếu như thành phố Lạng Sơn nổi tiếng với món bánh ngải; huyện Bắc Sơn nổi tiếng với món bánh chưng đen thì ở huyện Lộc Bình nổi tiếng với món bánh mảy nhừng. Mảy nhừng là món bánh có nguồn gốc từ dân tộc Nùng, Tày. Mảy có nghĩa là măng, nhừng có nghĩa là hấp cách thủy. Trước đây, cuộc sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn, măng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Chính vì vậy, người dân đã tận dụng bẹ măng, kết hợp với thịt lợn và mộc nhĩ tạo thành món bánh mảy nhừng. Ngày nay, nhờ sự sáng tạo, linh hoạt trong việc thay đổi lá gói bánh, mảy nhừng được làm thường xuyên và dần trở nên phổ biến. Hiện nay, bánh được bày bán rộng rãi ở các phiên chợ, dần trở thành món bánh quen thuộc trên các mâm cỗ cưới, cúng gia tiên của người dân Lộc Bình.
Mảy nhừng là món bánh dân dã, bình dị, mang đậm hồn quê. Những chiếc bánh có vị thơm đặc trưng, vị ngọt bùi của lớp nhân rất dễ chinh phục khẩu vị của thực khách. Nếu có dịp đến với huyện Lộc Bình, du khách đừng quên thưởng thức và trải nghiệm công đoạn chế biến món bánh độc đáo này. Tin rằng, bánh mảy nhừng sẽ đem đến cho du khách kỉ niệm khó quên về một hương vị rất riêng của miền biên ải Xứ Lạng.
Ý kiến ()