Thơm bùi xôi hoa phón
- Vào dịp Tết thanh minh, khi đến với Xứ Lạng, du khách không chỉ được thưởng thức món xôi ngũ sắc mà còn được thưởng thức những món xôi độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng như xôi hoa phón (hay còn gọi là hoa bó phón, hoa mật mông) thơm dẻo, vàng óng.
Những ngày này, tại một số chợ phiên ở các huyện Văn Lãng, Tràng Định, hoa phón được bày bán nhiều. Đây là nguyên liệu dùng để nhuộm xôi thường xuất hiện trong các mâm cỗ cúng tết thanh minh của dân tộc Tày, Nùng. Xôi hoa phón có mùi thơm đặc trưng, ăn ngọt thanh, màu sắc đẹp.
Clip quy trình làm xôi hoa phón
Hoa phón là loại hoa chỉ có sau Tết, vào khoảng cuối tháng Giêng đến đầu tháng 3 âm lịch. Hoa phón chỉ xuất hiện sau khi tiết trời lập xuân nên để có nguyên liệu làm xôi người dân thường treo khô hoa trên gác bếp, hoặc phơi nắng để dùng quanh năm. Hoa có màu trắng, nhỏ li ti kết hợp thành từng chùm, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh, được sử dụng như một trong năm màu sắc nhuộm xôi ngũ sắc của người dân Xứ Lạng.
Xôi hoa phón thành phẩm
Để tìm hiểu về công đoạn chế biến xôi độc đáo này, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Lương Minh Lựu, khu 4, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, người đã gắn bó với nghề làm xôi nhiều năm nay. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu, chị Lựu vui vẻ chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuộc xã Quốc Việt, huyện Tràng Định. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã theo mẹ lên núi hái hoa phón để làm món xôi phón truyền thống của người dân tộc Tày. Khác với xôi nghệ, xôi hoa phón có màu vàng óng rất đẹp mắt và mùi thơm đặc trưng chứ không hăng như xôi nghệ. Nguyên liệu chính để làm xôi là gạo nếp nương và hoa phón khô. Trước đây, tôi làm xôi hoa phón chủ yếu để phục vụ gia đình nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tôi bắt đầu làm để bán. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được từ 8 đến 10 kg xôi thành phẩm với giá 70 nghìn đồng/kg. Những dịp gần tết thanh minh, trung bình mỗi ngày, tôi bán từ 16 đến 18 kg xôi thành phẩm.
Để món xôi hoa phón thơm ngon, dẻo ngọt đúng vị thì khâu quan trọng nhất chính là chọn nguyên liệu. Gạo để làm xôi phải là gạo nếp nương ở huyện Tràng Định. Hạt gạo phải to, tròn, bóng mẩy được ngâm qua đêm ít nhất 6 tiếng trước khi đồ xôi. Hoa phón sau khi hái về phải đem phơi khô để lên màu đẹp và bảo quản được lâu hơn. Để lấy được màu nước vàng, người nấu xôi cần lấy hoa cây phón rửa sạch rồi đem luộc chừng 10 – 15 phút, khi thấy nước dần chuyển sang màu vàng tươi như nghệ, sánh là được. Sau đó, lọc qua nước luộc hoa để loại bỏ tạp chất rồi mới đem gạo nếp nương ngâm cùng khoảng 6 – 8 tiếng. Sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn, người làm xôi sẽ cho gạo vào chõ và mang lên bếp đồ trong khoảng 30 phút.
Chị Lương Minh Lựu đóng gói xôi hoa phón cho khách
Muốn xôi hoa phón ngon, người làm xôi phải chú ý đun lửa không quá to cũng không quá nhỏ. Khi nấu xôi phải đảo đều tay, nhiều lần để xôi chín đều, trước khi đồ, phải dùng đũa tạo thành các lỗ nhỏ trên bề mặt gạo để hơi nước lan tỏa đều giúp cho hạt nếp chín kĩ hơn, tới khi hạt gạo nếp bóng và to tròn như bôi dầu mỡ, tơi và không bị nát là xôi đã chín.
Xôi hoa phón thành phẩm hấp dẫn bởi màu sắc vàng tươi, với hương vị ngọt thơm, dẻo bùi, đậm đà hương vị hoa rừng. Xôi rất dễ ăn, chỉ cần chấm cùng muối vừng hoặc muối lạc là hương vị càng thêm thơm bùi, hấp dẫn. Đặc biệt, xôi hoa phón khi nhai kỹ sẽ có vị ngọt thanh, không gây nóng cổ như những loại xôi thông thường khác. Theo kinh nghiệm dân gian, hoa phón còn có tác dụng giải độc và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Bằng hương vị nồng nàn, dân dã, xôi hoa phón đã dần chiếm được cảm tình của nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Chị Trần Thị Như Hà, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi đã từng được ăn xôi hoa phón ở tỉnh Cao Bằng nhưng xôi phón của Lạng Sơn khiến tôi rất ấn tượng bởi mùi thơm đặc trưng của hoa, quyện cùng xôi nếp nương, càng nhai kỹ càng cảm nhận được vị thơm, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Món xôi tuy giản dị nhưng mang đến hương vị thơm ngon đến lạ. Gia đình tôi từ người già đến trẻ nhỏ đều yêu thích món ăn này. Có dịp đến Văn Lãng công tác, tôi thường đặt mua vài chai nước cốt (nước hoa phón) để về tự nấu cho gia đình.
Mùi thơm của hạt nếp dẻo hòa lẫn vị bùi, ngọt thanh của hoa rừng, khi kết hợp lại tạo nên vị ngon lạ miệng, hấp dẫn khiến người thưởng thức nhớ mãi không quên. Với hương vị đặc sắc, độc đáo, tin rằng món ăn này sẽ góp phần làm nên sự đa dạng của ẩm thực xứ Lạng.
Ý kiến ()