Thời tiết khắc nghiệt bao trùm thế giới
Trong mùa hè này, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn bất thường đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Ngày 18-8, truyền thông Trung Quốc đưa tin, có 16 người thiệt mạng và 36 người mất tích do lũ quét tại tỉnh Thanh Hải, miền Tây nước này. Trận mưa dông xảy ra bất ngờ tối 17-8 đã gây ra vụ sạt lở đất làm thay đổi dòng chảy một con sông và gây ra lũ quét tại tỉnh này. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, trận lũ quét gây ảnh hưởng tới hơn 6.200 người từ 6 ngôi làng. Công tác cứu hộ hiện đang được tiến hành.
Trước đó, giới chức Trung Quốc cảnh báo mưa to dự kiến sẽ đổ bộ vào các khu vực phía Bắc nước này. Ban chỉ huy phòng, chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc đã kích hoạt biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với công tác phòng, chống lũ lụt do mưa lớn. Biện pháp ứng phó khẩn cấp được áp dụng cho những khu vực gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Thiểm Tây và Cam Túc. Các địa phương được yêu cầu tăng cường các biện pháp giám sát và cảnh báo sớm, đồng thời tiến hành những hoạt động chuẩn bị cho công tác phòng, chống lũ lụt.
Lực lượng cứu hộ được huy động sau trận lũ quét ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Đợt lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trong tháng 6 vừa qua ở miền Nam Trung Quốc đã khiến hơn 500.000 người phải sơ tán, gây thiệt hại kinh tế ước tính 250 triệu USD. Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt thảm họa như lũ lụt, nắng nóng khắc nghiệt tại các khu vực khác nhau trên cả nước trong mùa hè này. Theo truyền thông Trung Quốc, đợt nắng nóng và hạn hán năm nay tồi tệ nhất kể từ khi số liệu về các hiện tượng thời tiết cực đoan được ghi nhận cách đây 60 năm.
Tại New Zealand, mưa lớn xối xả trút xuống khu vực phía tây và phía bắc của đảo Nam nước này trong ngày thứ ba liên tiếp, khiến hàng trăm người dân phải đi sơ tán, nhiều trường học phải đóng cửa. Theo các chuyên gia thời tiết của New Zealand, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thời tiết trên là do một luồng hơi nước hẹp của sông khí quyển đang xuất hiện trên toàn lãnh thổ. Ngoài khu vực này, cảnh báo mưa to cũng được đưa ra đối với các khu vực ở phía bắc đảo Bắc của New Zealand.
Tại châu Âu, sau đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tuần qua, Pháp đang hứng những trận mưa như trút nước. Cơ quan khí tượng Pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở phần lớn khu vực miền Nam nước này. Do mưa lớn, hoạt động giao thông vận tải bị gián đoạn tại nhiều nơi, trong đó có thủ đô Paris. Giới chức Pháp kêu gọi người dân tạm hoãn kế hoạch đi lại và tránh di chuyển trên tuyến đường nước rút hoặc tìm cách trú ẩn dưới cây cối. Cơ quan khí tượng Pháp cảnh báo mưa lớn và gió giật có thể gây hậu quả tương tự các trận bão lốc.
Tháng 7 vừa qua là tháng khô hạn nhất mà Pháp ghi nhận kể từ năm 1961, khiến nhiều đám cháy rừng bùng phát. Cũng giống như Pháp và nhiều nước châu Âu khác, Italy đang trải qua những ngày hè nóng và khô hạn kỷ lục. Mặc dù nhiều khu vực xảy ra dông bão, song Cơ quan khí tượng Italy dự báo tình trạng khô hạn tại nước này chưa chấm dứt mà sẽ còn kéo dài cho đến tháng 9 tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác nông nghiệp. Theo các chuyên gia, hạn hán đang khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng cao ở châu Âu.
Các nhà khoa học cho biết, thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu (BĐKH) và có thể sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi nhiệt độ tăng lên. Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher nhấn mạnh: “Chúng ta rất lo ngại về khủng hoảng năng lượng. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng cuộc khủng hoảng này rất nhỏ so với những tác động của BĐKH”.
Rõ ràng, không một quốc gia nào trên thế giới có thể miễn nhiễm trước tác động của BĐKH. Do đó, các nước cần chung tay hành động để ứng phó với thách thức chung của nhân loại.
Ý kiến ()