Giá ngũ cốc trên thị trường thế giới hạ nhiệt khi có dự báo mưa tại phần lớn châu Âu, nhất là ở Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba trên thế giới. Những "cơn mưa vàng" cuối tuần qua tại Nga không chỉ làm giảm sức nóng từ thảm họa cháy rừng ở nước này, mà còn giúp kéo giá ngũ cốc tại Mỹ và châu Âu giảm khoảng 5%, làm dịu nguy cơ lặp lại khủng hoảng lương thực thế giới, từng xảy ra năm 2008. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết bất thường tiếp tục đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới được cảnh báo từ đầu tháng 8 vừa qua, khi giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, hơn 70% so một tháng trước đó. Giá các mặt hàng ngũ cốc tăng 50% kể từ tháng 6, mức tăng lớn nhất trong 30 năm qua. Nguyên nhân trực tiếp đẩy giá ngũ cốc tăng vọt chính là những dự báo thiếu lạc quan về tình hình mùa vụ ở các quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu...
Giá ngũ cốc trên thị trường thế giới hạ nhiệt khi có dự báo mưa tại phần lớn châu Âu, nhất là ở Nga – nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba trên thế giới. Những “cơn mưa vàng” cuối tuần qua tại Nga không chỉ làm giảm sức nóng từ thảm họa cháy rừng ở nước này, mà còn giúp kéo giá ngũ cốc tại Mỹ và châu Âu giảm khoảng 5%, làm dịu nguy cơ lặp lại khủng hoảng lương thực thế giới, từng xảy ra năm 2008. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết bất thường tiếp tục đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới được cảnh báo từ đầu tháng 8 vừa qua, khi giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, hơn 70% so một tháng trước đó. Giá các mặt hàng ngũ cốc tăng 50% kể từ tháng 6, mức tăng lớn nhất trong 30 năm qua. Nguyên nhân trực tiếp đẩy giá ngũ cốc tăng vọt chính là những dự báo thiếu lạc quan về tình hình mùa vụ ở các quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, do các hiện tượng thời tiết bất thường, như nóng hạn ở Nga, Nhật Bản và lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc, Pa-ki-xtan, Ấn Độ…
Đợt nắng nóng và khô hạn vừa qua được ghi nhận là nghiêm trọng nhất trong 130 năm qua ở Nga, kèm theo cháy rừng trên diện rộng đã phá hủy hơn 20% vụ mùa, ước tính làm giảm một phần tư sản lượng ngũ cốc của Nga trong vụ này. Dự báo, tổng sản lượng ngũ cốc năm nay của Nga chỉ đạt 60 đến 65 triệu tấn, giảm mạnh so mức 97 triệu tấn năm 2009 và 108 triệu tấn năm 2008. Các chuyên gia cảnh báo, mức thiệt hại do thiên tai tại quốc gia chiếm 8% sản lượng lúa mì thế giới này có thể làm giảm 1,6% tổng nguồn cung lúa mì toàn cầu. Tình hình xấu đến mức các chuyên gia cảnh báo Nga có thể phải nhập khẩu tới năm triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2010 – 2011 và là lần đầu trong mười năm qua. Chính phủ Nga bác bỏ việc phải nhập khẩu ngũ cốc, nhưng ban hành lệnh cấm tạm thời việc xuất khẩu ngũ cốc, từ ngày 15-8 đến hết 31-12 năm nay. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép chỉ thị Chính phủ theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, ngăn chặn đầu cơ lương thực.
Lũ lụt nghiêm trọng đang đe dọa làm sụt giảm sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc, quốc gia sản xuất 35% sản lượng gạo toàn cầu. Theo Cơ quan Dự trữ lương thực quốc gia Trung Quốc, sản lượng gạo của nước này năm nay ước giảm khoảng 10%. Tại nhiều vùng sản xuất lúa chủ yếu bị ảnh hưởng lũ lụt, như Giang Tây và An Huy, sản lượng có thể giảm tới 20% hoặc 30%. Hai vựa lúa khác ở châu Á là Ấn Độ và Pa-ki-xtan, vốn chiếm tới 15% thị phần thế giới, cũng đang phải vật lộn với trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử, phải kêu gọi viện trợ quốc tế để khắc phục hậu quả thiên tai. Các khu vực sản xuất lúa mì lớn khác của thế giới cũng đang hứng chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Khu vực Biển Đen điêu đứng vì hạn hán. Tại Ca-na-đa, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, mưa lớn kéo dài có thể làm sản lượng lúa mì năm nay của nước này giảm tới 36%… Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cảnh báo sẽ hạ mức dự báo sản lượng lúa mì của thế giới trong năm nay, thậm chí không đưa ra dự đoán về sản lượng của Nga. Sau Nga, một số nước xuất khẩu ngũ cốc lớn như U-crai-na và Ca-dắc-xtan, hai vựa lúa mì khác của thế giới, cũng cân nhắc việc tạm ngừng xuất khẩu mặt hàng này, nhằm bảo đảm an toàn lương thực và kiềm chế tăng giá lương thực trong nước.
Thực tế khó khăn kể trên, cùng với giá các loại ngũ cốc trên thế giới tăng vọt đã dấy lên mối lo ngại lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, do nhiều chính phủ đồng loạt cấm xuất khẩu gạo, đẩy giá gạo lên hơn 1.100 USD/tấn, thậm chí dẫn đến cướp bóc lương thực, bạo loạn… Tuy nhiên, các số liệu của giới chuyên gia lương thực quốc tế cho thấy, tại thời điểm hiện nay an toàn lương thực của thế giới vẫn chưa tới ngưỡng nguy hiểm. Tỷ lệ dự trữ lương thực ở mức 26%, cao hơn mức 20% khi xảy ra khủng hoảng lương thực hai năm trước đây. Trong đó phải kể đến các kho dự trữ gạo lớn, như Trung Quốc 40 triệu tấn, Ấn Độ 30 triệu tấn… Dự báo vụ mùa bội thu sắp tới ở Ô-xtrây-li-a và Mỹ nhờ thời tiết thuận lợi có thể góp phần làm giảm sức ép về giá lương thực trên thế giới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường, hậu quả trực tiếp từ tình trạng biến đổi khí hậu, sẽ dẫn đến sụt giảm sản lượng lương thực, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Báo cáo của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho rằng, hiện tượng tan băng khiến nước biển dâng trung bình một mét vào cuối thế kỷ 21 sẽ gây tác hại nghiêm trọng các diện tích lúa được trồng tại các vùng châu thổ và duyên hải địa hình thấp tại châu Á. Lượng khí thải CO2 và nhiệt độ tăng có thể làm giảm 10% sản lượng lúa gạo.
Trong khi đó, báo cáo “Chỉ số nguy cơ an ninh lương thực năm 2010” LHQ vừa công bố cho thấy, Áp-ga-ni-xtan đứng đầu tốp mười quốc gia có nguy cơ lớn nhất về an ninh lương thực. 36 trong 50 quốc gia được cảnh báo đối mặt nguy cơ cao về lương thực là các nước ở khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi. Lũ lụt ở Pa-ki-xtan và nắng hạn ở Nga cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ về an ninh lương thực tại hai quốc gia này trong năm tới. FAO ước tính, thế giới hiện có một tỷ người thiếu ăn. Để nuôi sống chín tỷ người vào năm 2050, thế giới phải tăng gấp đôi sản lượng nông nghiệp. LHQ khuyến cáo các nước quay trở lại đầu tư phát triển nông nghiệp, cũng như thúc đẩy đàm phán nhằm sớm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()