“Thỏi nam châm” châu Phi
Sự thay đổi đáng kinh ngạc đang diễn ra ở châu Phi, nơi dân số được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi lên 2,5 tỷ người trong 1/4 thế kỷ tới. Những thay đổi này không chỉ tác động đến nhiều quốc gia châu Phi mà còn định hình lại hoàn toàn mối quan hệ của châu lục này với phần còn lại của thế giới.
Nhìn vào bức tranh nhân khẩu học toàn cầu, có thể thấy những gam màu tương phản rõ rệt. Tỷ lệ sinh đang giảm ở các quốc gia giàu có. Số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn, tỷ lệ người già so với dân số trong độ tuổi lao động tăng lên, đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động…
Trong khi đó, châu Phi dường như đang đi theo hướng ngược lại. Năm 1950, người châu Phi chỉ chiếm 8% dân số thế giới. Nhưng vào năm 2050, theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số khu vực này sẽ tăng gấp đôi và chiếm 25% dân số thế giới. Các xã hội châu Phi không chỉ phát triển nhanh mà còn trẻ hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác. Điều này được thể hiện rõ nhất khi độ tuổi trung bình ở châu Âu là 42,2, ở Trung Quốc và Mỹ là gần 39, trong khi con số này ở châu Phi chỉ là 19.
Báo The New York Times nhận định, các nước châu Phi có một nguồn lực quan trọng mà các xã hội già hóa đang mất dần, đó là dân số trẻ, tràn đầy năng lượng, ý tưởng và sự sáng tạo. Điều này sẽ định hình tương lai của châu Phi và của thế giới.
Vậy những thay đổi về nhân khẩu học sẽ tác động đến nền kinh tế như thế nào? Hãy nhìn vào những quốc gia đứng đầu về già hóa dân số để thấy rõ hơn điều này. Italy-quốc gia có dân số già đứng thứ ba trên thế giới-đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về chăm sóc người cao tuổi. Nhiều người đang tìm kiếm sự trợ giúp từ robot. Dân số Italy được dự đoán sẽ giảm 12% vào năm 2050 và có khả năng giảm một nửa vào năm 2100. Cựu Thủ tướng nước này, ông Mario Draghi từng cho biết: “Một nửa dân số Italy có độ tuổi trên 47-độ tuổi trung bình cao nhất ở châu Âu. Một nước Italy không có trẻ em là một nước Italy không có chỗ đứng trong tương lai, đó sẽ là một nước Italy đang dần không còn tồn tại”.
Châu Phi có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ này (ảnh minh họa). Ảnh: The Guardian |
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng 1 đã cảnh báo rằng, nước này đang “trên bờ vực rối loạn chức năng xã hội” do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Theo ông, tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng cùng với dân số ngày càng già đi của Nhật Bản khiến lực lượng lao động nhanh chóng bị cạn kiệt và chi phí phúc lợi xã hội phình to.
Cơ cấu dân số già hóa cũng sẽ là hạn chế đối với nhiều chủ trương phát triển tham vọng. Như tại Trung Quốc, lực lượng lao động giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế công xưởng thế giới và thị trường lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia đang khuyến khích lực lượng lao động nhập cư để giải quyết vấn đề về dân số. Điều này mở ra cơ hội cho châu Phi-châu lục được dự đoán sẽ có lực lượng lao động lớn nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ trong thập kỷ tới.
Với nguồn nhân lực dồi dào và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, châu Phi là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cũng như đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin, châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế tăng lên. Không chỉ Nga mà Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh đều mong muốn tăng cường quan hệ với khu vực này.
Tháng 9 vừa qua, Liên minh châu Phi (AU) đã gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Động thái gia nhập diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế được đánh giá là một sự công nhận vị thế và vai trò ngày càng tăng của châu Phi.
Ngoài ra, hiện nay cũng xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ mở rộng sự hiện diện của các quốc gia châu Phi tại Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc. Điều này dự kiến sẽ giúp châu Phi có tiếng nói mạnh mẽ hơn, đồng thời đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Không chỉ sở hữu lợi thế từ lực lượng lao động đông đảo, châu Phi cũng đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn về kinh tế, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 54 quốc gia tại đây tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua. Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ này.
Edward Paice, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi ở London (Anh) cho biết: “Châu Phi đang bước vào thời kỳ thay đổi thực sự đáng kinh ngạc”. Theo ông, thế giới đang biến đổi và chúng ta cần bắt đầu định hình lại vị trí của châu Phi trong đó. Một châu Phi với vị thế mới và tiềm năng đang chờ được khai thác sẽ là “thỏi nam châm” hút sự quan tâm của bất cứ đối tác nào.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/thoi-nam-cham-chau-phi-749406
Ý kiến ()