Thời điểm “tăng tốc” xuất khẩu rau quả
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, tháng cuối năm sẽ là thời điểm tăng tốc, để tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này.
Vượt khó trong dịch bệnh
Theo thống kê, xuất khẩu hàng rau quả tháng 11-2020 đạt 280 triệu USD, tăng 15,7% so với tháng 10-2020, nhưng giảm 6,7% so với tháng 11-2019. Mặc dù kim ngạch có giảm so với cùng kỳ nhưng xét chung trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các hoạt động thương mại nông sản giữa các quốc gia thì những kết quả đạt được của ngành hàng rau quả 11 tháng qua là rất đáng ghi nhận. Về thị trường, tính đến hết tháng 10-2020, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về kim ngạch với hơn 1,55 tỷ USD, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2019; chiếm 56,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 136,64 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Đây là một con số khá ấn tượng không chỉ bởi ngành hàng đã vượt khó trong dịch bệnh để gia tăng xuất khẩu mà quan trọng hơn, đã góp phần khẳng định chất lượng của rau quả Việt Nam khi không ngừng gia tăng kim ngạch tại thị trường có nhiều yêu cầu cao như Mỹ.
Ngoài ra, 11 tháng năm 2020 cũng ghi nhận nhiều bước phát triển mới của ngành hàng này với các lô hàng được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Cụ thể, ngay từ tháng 9, sau khi EVFTA có hiệu lực hơn một tháng, Công ty Vina T&T Group đã xuất khẩu một công-ten-nơ dừa tươi bằng đường tàu biển và ba tấn thanh long, 12 tấn bưởi bằng đường hàng không sang thị trường EU. Theo đó, các mặt hàng bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn GlobalGAP; các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP); phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Với các cam kết trong EVFTA, thời gian tới, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng này sẽ được nâng cao đáng kể để tăng thị phần tại thị trường châu Âu.
Chú trọng yêu cầu của từng thị trường
Dự báo, tháng cuối năm 2020, triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng cao hơn những tháng vừa qua. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc thường tăng lên vào dịp cuối năm. Đồng thời, các tác động của EVFTA cũng trở nên rõ nét hơn. Để nắm bắt được các cơ hội này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả đã tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu. Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… có các yêu cầu cao về chất lượng mà ngay cả thị trường Trung Quốc, Thái-lan đã và đang ngày càng siết chặt các tiêu chí đối với sản phẩm nhập khẩu. Mới đây, Thái-lan cũng đã ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu. Theo đó, Thái-lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải. Bên cạnh đó, hơn một năm trở lại đây, Trung Quốc cũng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, đề ra những quy định ngày càng khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Hiện nay, cùng với cơ hội xuất khẩu thì ngành hàng rau quả Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều thách thức để có thể gia tăng kim ngạch tại tất cả các thị trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu, nếu không sẽ rất dễ đánh mất thị trường. Theo đó, nhanh chóng thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…; đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã để chinh phục thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trên thế giới.
Năm yêu cầu với mã truy xuất nguồn gốc: Xem được đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định lưu hành và công bố sản phẩm; truy xuất được chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm (các cá nhân và tổ chức có tham gia hoặc liên quan đến quá trình sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm); xem được chỉ dẫn địa lý của vùng sản xuất ra sản phẩm; xem được các giấy tờ và các chứng nhận về thành phần, chất lượng và các công nhận về sản phẩm; chứng minh được lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm thông qua nhật ký hoạt động điện tử được đóng góp bởi tất cả các thành viên trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.
Ý kiến ()