Thời cơ và thách thức đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5 ước đạt 344 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 38% so cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, các thị trường nhập khẩu nhiều là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 83,8% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Ngoài ra còn có một số thị trường mới nổi khác cũng có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) hơn 200%, Nga gần 80%…
Theo dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 có thể đạt ba tỷ USD, tăng 25% so năm trước, bởi ngoài Trung Quốc vẫn được coi là thị trường chủ yếu, thì UAE cũng đang có những tín hiệu lạc quan sau khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau và trái cây từ năm quốc gia Trung Đông, tạo điều kiện cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này. Ngoài ra, việc Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hàng chục quốc gia và nền kinh tế khác trên thế giới, sẽ là cơ hội tốt cho nông sản nói chung và rau quả Việt Nam nói riêng có thêm thị trường mới.
Mặc dù rau quả đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Trước hết là thị trường Trung Quốc, mặc dù hiện chiếm hơn 70% lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nhưng chủ yếu nhập khẩu tiểu ngạch, lượng và giá nhập luôn thất thường. Các doanh nghiệp nhập khẩu lại khá “dễ tính” khi không có yêu cầu về chất lượng, kiểm định quy chuẩn. Vì vậy nếu phụ thuộc lâu dài, rau quả Việt không chỉ bị “rớt giá”, mà còn khó nâng cao được thương hiệu, chất lượng, cũng như mẫu mã bao bì để xuất khẩu sang các thị trường khác có tiềm năng hơn như: Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po…; kể cả thị trường UAE, nơi mà giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này đang tăng mạnh.
Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đứng vững trên thị trường xuất khẩu rau quả, trước hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu rau quả cần tổ chức kết nối chặt chẽ với hộ nông dân, nhà sản xuất, để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo được nguồn cung ổn định, qua đó xây dựng được uy tín, thương hiệu của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới. Mặt khác các cơ quan quản lý nhà nước, với chức năng của mình cần coi thị trường là “mệnh lệnh sản xuất”, từ đó tăng cường phối hợp tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, giới thiệu thúc đẩy quan hệ, tạo mạng lưới thông tin về các mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng với các đối tác song phương và đa phương. Giữ vững và phát triển thị trường khó tính, chú trọng các thị trường tiềm năng cũng như khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống. Ngoài ra giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp phát sinh trong giao dịch thương mại, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các điều ước quốc tế về hợp tác trong nông nghiệp đã ký kết giữa Việt Nam và các nước, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()