Thoát nghèo từ nội lực
– Những năm qua, để người dân phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh đồi rừng, trong đó, cây trồng mũi nhọn là cây keo. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày một nâng cao.
Người dân thôn Nà Pẻo, xã Bắc Lãng chăm sóc rừng keo
Xã Bắc Lãng hiện có 360 hộ dân với trên 1.600 nhân khẩu, sinh sống ở 7 thôn, bản. Hiện toàn xã có trên 5.000 ha đất lâm nghiệp (chiếm trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên). Đây là lợi thế để xã phát triển các cây lâm nghiệp như: keo, thông… Những năm qua, để người dân phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh đồi rừng.
Theo đó, UBND xã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, bảo vệ đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, xã trồng mới trên 100 ha rừng, đến nay toàn xã có trên 3.100 ha rừng. Trong đó, chủ yếu là trồng cây keo với trên 2.600 ha, bình quân mỗi năm cho khai thác 70 ha, đem lại giá trị kinh tế khoảng 4,2 tỷ đồng. Với sự chủ động đó, đến nay, Bắc Lãng trở thành 1 trong 2 xã có diện tích trồng keo lớn nhất trên toàn huyện.
Anh Vũ Đăng Công, thôn Nà Pẻo là một trong những hộ cho thu nhập cao từ trồng keo trên địa bàn xã cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, năm 2014, tôi đã trồng khoảng 10 ha keo. Năm 2022, diện tích keo đến tuổi cho khai thác, gia đình tôi bán và thu về trên 600 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục trồng mới trên diện tích đã khai thác và mở rộng lên 20 ha.
Bên cạnh việc tuyên truyền người dân phát triển kinh tế đồi rừng, cấp ủy, chính quyền xã còn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác giảm nghèo thông qua các cuộc họp thôn và hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, bản và vận động bà con phát huy thế mạnh đồi rừng, vươn lên phát triển kinh tế. Trong năm 2022, toàn huyện Đình Lập có 11 đơn xin thoát nghèo, cận nghèo thì trên địa bàn xã đã có 8 hộ dân chủ động làm đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo.
“Bắc Lãng là xã điển hình trong việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, điều đó thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Qua đó, từng bước khơi dậy khát vọng thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn”. Bà Lý Thị Hỷ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Đình Lập |
Anh Hà Văn Lợi, thôn Khe Mò là một trong những người đầu tiên ở xã chủ động viết đơn xin thoát nghèo. Anh Lợi cho biết: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, cuộc sống quanh năm gắn với ruộng đồng nhưng vẫn không thoát khỏi nghèo khó. Năm 2015, nhận thấy trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã dùng số tiền dành dụm được để trồng 2 ha keo. Đầu năm 2022, diện tích keo của gia đình cho thu hoạch, tôi bán và thu về 120 triệu đồng, nhờ đó đời sống được cải thiện, cuộc sống ổn định hơn. Đến cuối năm 2022, gia đình tôi đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng cho biết: Xác định keo là cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 đến 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con kỹ thuật phòng trừ bệnh hại cho cây trồng và vật nuôi; kỹ thuật thâm canh tăng vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ vậy, nhận thức của người dân dần thay đổi.
Được sự định hướng của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động của người dân, từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn xã còn phát triển thêm các mô hình khác, tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh với quy mô hơn 10.000 con; chăn nuôi gà đồi Tiên Yên với quy mô hơn 10.000 con; mô hình trồng cây sâm nam với diện tích 2 ha… Các mô hình trên đem lại nguồn thu nhập từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí. Đáng chú ý, trong năm 2021 và 2022, sản phẩm vịt cổ xanh và gà Đình Lập của xã được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh.
Đặc biệt, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, toàn xã có gần 200 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Từ khi triển khai đến nay, đã có 29 dự án của người dân được vay vốn với dư nợ đạt trên 5 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, cùng sự chủ động vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của xã đã đạt được những kết quả nổi bật. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 47,1 triệu đồng/người/năm, tăng 29,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 8,8%, giảm 38% so với năm 2016.
Ý kiến ()