Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Từ đồng vốn ưu đãi của ngân hàng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong những năm qua, cùng với các chính sách xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước, chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương.Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đối tượng là hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, với những ưu đãi về các điều kiện vay vốn như: lãi suất cho vay, thời hạn vay, mức vay... Ngoài nguồn vốn NHCSXH đang đảm nhận, hộ đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách khác như: Chương trình cho vay hộ nghèo; cho vay ưu đãi lãi suất đối với người nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại 62 huyện nghèo; chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết...
![]() Từ đồng vốn ưu đãi của ngân hàng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đối tượng là hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, với những ưu đãi về các điều kiện vay vốn như: lãi suất cho vay, thời hạn vay, mức vay… Ngoài nguồn vốn NHCSXH đang đảm nhận, hộ đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách khác như: Chương trình cho vay hộ nghèo; cho vay ưu đãi lãi suất đối với người nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại 62 huyện nghèo; chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg… Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã đến được 100% số thôn, bản, làng trên toàn quốc.
Đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long dịp đầu năm, mới thấy rõ sự đổi thay của cuộc sống người dân nơi đây. Sự đổi thay ấy bắt nguồn từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và sự vươn lên của mỗi gia đình. Trong đó, có sự trợ giúp đắc lực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH. Trước đây, gia đình anh Chao Ril, người dân tộc Khmer ở ấp Thạnh Trung (xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) quanh năm vất vả làm thuê nhưng vẫn không đủ ăn, chưa tính đến chuyện lo cho hai con đi học. Vì nghèo khó, đến mảnh đất cha ông để lại anh cũng phải đem cầm cố, bao năm trôi qua nhưng vẫn không thể dành dụm đủ tiền chuộc đất. Kể từ khi Quyết định 74/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo được triển khai đến địa phương, cuộc sống của gia đình anh đã có nhiều thay đổi. Theo quyết định này, gia đình anh được vay NHCSXH 10 triệu đồng để phát triển sản xuất. Anh Ril tâm sự: “Nhờ vốn vay ưu đãi, tôi đã chuộc lại được mảnh đất, từ đó phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình”. Đến nay, đã qua vài vụ lúa, gia đình anh đã tích cóp, dành dụm trả gần hết vốn vay cho NHCSXH. Cuộc sống của gia đình anh khá lên từng ngày, hai con anh cũng được cắp sách tới trường.
Tương tự như gia đình anh Chao Ril, gia đình chị Lý Thị Chanh Thi ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cũng là một điển hình hộ gia đình DTTS vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Những năm trước, gia đình chị được vay vốn chương trình hộ nghèo, lãi suất 0,65%/tháng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình chị đã dần trả được hết nợ. Thoát cảnh đói nghèo, không còn phải chạy ăn từng bữa, chị được xét cho vay tiếp
10 triệu đồng để xây nhà ở theo Quyết định 74, trong vòng ba năm không phải trả lãi (lãi suất 0%). Nhờ đó, gia đình chị cũng chấm dứt cảnh nhà ở lụp xụp, chuyển sang ở nhà mới khang trang, kiên cố hơn.
Theo thống kê của NHCSXH, giai đoạn 2006-2010, mỗi năm đã có hơn 55 nghìn hộ DTTS trên cả nước thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Nguồn vốn này chủ yếu đầu tư vào các đối tượng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hơn 3,2 triệu lượt hộ đồng bào DTTS.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS vẫn còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát của NHCSXH, nhu cầu vay vốn của hộ đồng bào DTTS hiện nay là rất lớn, trong khi nguồn vốn cho vay có hạn, mức cho vay của một số chương trình tín dụng còn thấp, nên hiệu quả kinh tế – xã hội đạt được chưa cao. Việc xác định đối tượng hộ nghèo còn bất cập so với thực trạng nghèo đói ở địa phương, danh sách hộ nghèo không được cập nhật kịp thời, trong khi thiên tai, dịch bệnh… phát sinh thường xuyên, làm tăng thêm số hộ nghèo, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách. Mặt khác, còn một bộ phận người nghèo là đồng bào DTTS do chưa được các cơ quan, chính quyền, hội, đoàn thể quan tâm, hướng dẫn cách làm ăn cho nên họ chưa mạnh dạn vay vốn, chưa biết sử dụng vốn một cách hiệu quả,…
Do vậy, nhiều địa phương cũng đã kiến nghị với NHCSXH những biện pháp để đồng vốn của ngân hàng thật sự phát huy hiệu quả. Theo đó, NHCSXH cần tiếp tục ưu tiên tập trung phân bổ vốn các chương trình tín dụng chính sách cho các địa phương là vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn – nơi tập trung nhiều hộ đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị nhận ủy thác và Tổ Tiết kiệm và Vay vốn để các đơn vị này làm tốt hơn chức năng tham mưu, hướng dẫn người dân; tích cực huy động, khai thác mọi nguồn vốn theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm những sai sót, tồn tại; triển khai thực hiện thí điểm mô hình Kiểm tra, kiểm soát khu vực phía nam nhằm phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Theo Nhandan

Ý kiến ()