Thoát nghèo nhờ sứa
Mặc dù khai thác sứa chỉ mang tính thời vụ, mỗi năm chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, chừng ba tháng, nhưng việc khai thác sứa đã đem lại cho người dân xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn một nguồn thu nhập không nhỏ. Nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ nghề đánh bắt sứa.Minh Châu là xã đảo còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của huyện Vân Đồn, nhưng lại được trời phú cho những bãi sứa. Sứa ở Minh Châu to và nhiều, ước tính có hàng nghìn tấn/vụ. So với các xã trong vùng như Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi hay ở Cô Tô cũng có nghề làm sứa, thì nghề khai thác và chế biến sứa ở Minh Châu khá phát triển. Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu Nguyễn Tiến Lượng phấn khởi cho biết: 'Tuy mới chỉ bắt đầu vào vụ sứa nhưng đến thời điểm này, tổng sản lượng khai thác hải sản của xã đạt 350 tấn các loại, trong đó khai thác và chế biến sứa đạt 300 tấn với giá trị...
Minh Châu là xã đảo còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của huyện Vân Đồn, nhưng lại được trời phú cho những bãi sứa. Sứa ở Minh Châu to và nhiều, ước tính có hàng nghìn tấn/vụ. So với các xã trong vùng như Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi hay ở Cô Tô cũng có nghề làm sứa, thì nghề khai thác và chế biến sứa ở Minh Châu khá phát triển. Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu Nguyễn Tiến Lượng phấn khởi cho biết: 'Tuy mới chỉ bắt đầu vào vụ sứa nhưng đến thời điểm này, tổng sản lượng khai thác hải sản của xã đạt 350 tấn các loại, trong đó khai thác và chế biến sứa đạt 300 tấn với giá trị kinh tế gần 1,6 tỷ đồng. Nhiều hộ đã thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc đánh bắt sứa'.
Vào vụ sứa, mỗi phương tiện ra khơi một đêm, trừ chi phí có thể thu từ một đến hai triệu đồng. So với các nghề khác, việc đầu tư cho việc đánh bắt sứa khá đơn giản và ít tốn kém, chỉ cần đầu tư từ 60 đến 70 triệu đồng để đóng một chiếc thuyền loại nhỏ cùng những dụng cụ cần thiết phục vụ cho việc đánh bắt sứa là có thể ra khơi. Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Thành Sang cho biết: 'Năm nay, do xăng, dầu lên giá, phần lớn các tàu có công suất lớn, đánh bắt tuyến khơi trên địa bàn xã phải ngừng hoạt động, nhưng đối với phương tiện khai thác sứa, chủ yếu là tàu, thuyền có công suất nhỏ, từ 8 đến 30CV nên mức độ chịu ảnh hưởng của 'bão giá' không nhiều, vì thế vẫn hoạt động bình thường, nhất là năm nay, giá thu mua sứa tăng hơn so với mọi năm. Vào thời điểm này, các xưởng chế biến thu mua sứa với giá từ 10 nghìn đến 13 nghìn đồng/đầu sứa. Giá thu mua tăng đã tạo động lực để người dân trong xã tổ chức tham gia đánh bắt sứa nhiều hơn'. Anh Trương Văn Lâm, cán bộ quản lý của Công ty TNHH Quan Minh cho biết: 'Hiện tại, xưởng chế biến sứa của công ty luôn có 100 công nhân thường xuyên làm việc và bình quân mỗi ngày xưởng chế biến từ 15 nghìn đến 20 nghìn đầu sứa. Từ đầu vụ sứa đến nay, sản lượng chế biến của công ty đạt 400 nghìn đầu sứa và công ty đang phấn đấu tăng sản lượng của năm nay sẽ vượt từ 200 đến 300 nghìn đầu sứa so với năm 2010'.
Cùng với việc đánh bắt sứa, các xưởng thu mua và chế biến sứa trên địa bàn xã thời điểm này đều hoạt động hết công suất. Toàn xã đảo Minh Châu hiện có gần 20 xưởng chế biến sứa với mức đầu tư bình quân cho một xưởng khoảng từ 500 triệu cho đến vài tỷ đồng. Trung bình mỗi xưởng một ngày chế biến 40 đến 50, thậm chí lên đến 70 tấn sứa. Sứa sau khi chế biến thành phẩm được đóng hộp và xuất khẩu.
Đánh bắt sứa phụ thuộc vào con nước, thời tiết và diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Trung bình mỗi đêm, tại các vùng biển Minh Châu, Quan Lạn, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Vạn Yên của huyện Vân Đồn thường xuyên có khoảng 300 phương tiện tàu thuyền lớn nhỏ đánh bắt sứa. Theo người dân ở xã đảo Minh Châu, vào vụ sứa, cả xã chỉ còn người già, trẻ em ở nhà, còn hầu hết các hộ dân trong xã đều tham gia vào việc khai thác sứa. Bình quân, một tàu với ba lao động có thể thu nhập khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng/đêm, có những tàu thu được từ 5 đến 6 triệu đồng/đêm. Nếu thời tiết thuận lợi, không có gió mùa thì mỗi tàu cũng đánh bắt được từ 200 đến 300 đầu sứa/đêm, cá biệt có những hộ đánh bắt được 500 đến 700 đầu sứa/đêm. Tính từ đầu vụ sứa đến nay có những hộ gia đình trong xã đã thu được từ 50 đến 100 triệu đồng từ việc đánh bắt sứa. Điển hình như các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Diện, Nguyễn Văn Sỹ… đều có thu nhập hơn 150 triệu đồng trong một vụ sứa. Mặc dù vụ khai thác sứa chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn trong năm, nhưng nhờ đó đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong xã với mức thu nhập không nhỏ. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát được nghèo, đói từ việc đánh bắt sứa. Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Hoàng Thanh cho biết: 'Năm 2010, tổng giá trị khai thác sứa trên địa bàn huyện ước đạt 150 tỷ đồng. Mặc dù khai thác sứa chỉ mang tính thời vụ, nhưng nhờ đó mà nhiều ngư dân, nhất là ngư dân ở các xã tuyến đảo của huyện Vân Đồn xóa được đói, giảm được nghèo. Trước đây, người dân không quan tâm đến việc khai thác sứa bởi chưa có thị trường tiêu thụ. Nghề này mới thật sự sôi động và phát triển vào khoảng 5 năm trở lại đây. Mỗi năm vào vụ sứa, việc đánh bắt và chế biến đã giải quyết việc làm cho vài nghìn lao động trên địa bàn huyện'.
Toàn xã đảo Minh Châu hiện có 248 hộ thì có đến hơn 80% số hộ tham gia đánh bắt sứa. Nghề đánh bắt sứa đã giúp cho đời sống của những người dân trên xã đảo có nhiều khởi sắc. Nếu như năm 2010, toàn xã còn 15 hộ nghèo thì đến nay đã giảm xuống chỉ còn bảy hộ nghèo, không còn hộ đói. Có thể thấy rõ, con sứa và nghề đánh bắt, chế biến sứa đang là hướng đi đúng để các xã đảo của huyện Vân Đồn tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()