tle=”Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi”> Gia đình ông Lâm Văn Xuyến, xã Phước Chiến chăm sóc cây ngô lai. Năm 2007, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của huyện mỗi năm tăng 15,6%, cuộc sống của đồng bào dân tộc Raglai, Chăm từng bước được cải thiện. Đảng bộ và nhân dân Thuận Bắc quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những triệu phú nông dân
Huyện Thuận Bắc được thành lập năm 2005, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 319 km2, nhưng phần lớn là đồi núi dốc nằm ở độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển, đất trơ sỏi đá, nghèo dinh dưỡng, dễ bị xói mòn. Toàn huyện có sáu xã với gần 39 nghìn người, trong đó dân tộc Raglai và dân tộc Chăm chiếm 70%, trình độ dân trí thấp. Để vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nhưng mãi cho đến năm 2007, Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới thật sự là “bệ phóng” giúp người dân biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Qua 61 mô hình sản xuất đã triển khai, có 45 mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên đường đi thực địa, chứng kiến phần lớn diện tích đất ven đồi, triền núi dốc nằm ở độ cao ngất ngưởng tại các xã Phước Chiến, Phước Kháng,… đều được bao phủ bởi mầu xanh của ngô và cây ăn quả mới thấy sự thay đổi tập quán của người dân đã góp phần tạo nên giá trị kinh tế. Bí thư Huyện ủy Hà Anh Quang nhận xét: “Nhờ dự án, nông dân nhận thức được muốn tăng năng suất, phải biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năm 2005, khi còn canh tác theo phương thức cũ, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 26 tạ/ha/năm, nay đã tăng gần 55 tạ/ha/năm. Cây ngô, từ 8,6 tạ/ha/năm đã tăng hơn 21 tạ/ha/năm”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Đức Hùng phân tích thêm: “So với ba mục tiêu mà dự án đề ra, hiện tại giá trị sản xuất tại vùng chủ động được nước tưới đã đạt 60 triệu đồng/ha/năm (tăng 20 triệu đồng/ha); vùng chưa chủ động nước đạt hơn 30 triệu đồng/ha (tăng từ 5-10 triệu đồng/ha); vùng không tưới đạt hơn 12 triệu đồng/ha (tăng hai triệu đồng/ha). Năm 2005, mức lương thực tính trên đầu người là 350 kg/người/năm, đến nay đã đạt một tấn/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 43% vào năm 2005 nay giảm xuống còn 20%”.
Gặp lại nông dân Dương Hồng Phát ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ này, chúng tôi được biết, đời sống gia đình anh đã khá hơn nhiều kể từ lần gặp anh đi vay tiền mua giống sản xuất cách đây sáu năm. Cùng uống ly bia chúc mừng nhau năm mới, anh bộc bạch: “Làm ăn có lãi, tui nghĩ phải chủ động đưa cơ giới vào sản xuất, cho nên năm 2010, tui bỏ ra 95 triệu đồng mua một chiếc máy cày. Giờ đây, từ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi trên diện tích hơn một ha cùng với làm dịch vụ máy cày, tui thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm, có điều kiện nuôi con ăn học, đời sống khá giả hơn”.
Đến xã Bắc Phong, hỏi thăm đường đến nhà anh Phạm Thận, người đi đầu trong thực hiện mô hình “vườn – ao – chuồng”, ai cũng biết. Năm 2005, anh vay mượn của bạn bè được hơn mười triệu đồng để cải tạo khu đất xấu khoảng 1 ha ở xứ đồng Suối Đế để sản xuất… Ban đầu ít vốn, anh nuôi năm con lợn, vài trăm con cá rô phi. Sau bốn năm, số vốn tích lũy tăng lên, anh đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng một dãy chuồng rộng 200 m2, lắp đặt hệ thống máng ăn tự động và nâng quy mô đàn lên 100 con (có 12 con lợn nái). Năm 2012, xuất bán hơn 100 con lợn giống, lãi hơn 50 triệu đồng, có điều kiện mở rộng diện tích trồng lúa từ sáu sào lên một ha.
Còn ông Trần Phương ở xã Bắc Phong, nói: “Từ nông dân nghèo, năm 2005, nhờ hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Sông Trâu, tôi đã cải tạo, khôi phục bốn ha trồng lúa ba vụ/năm, 5.000 m2 trồng cỏ voi làm thức ăn cho 15 con bò cái sinh sản, mỗi năm có thêm 15 chú bê con. Nhờ đó, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng. Tôi sẽ chi hơn mười triệu đồng để mua vải mùng bao quanh chuồng trại khoảng 200 m2 để ngăn ruồi, muỗi chích đốt bò. Chắc tôi là người đầu tiên trong tỉnh “cho bò ngủ mùng”.
Ấn tượng hơn là trại chăn nuôi gà siêu trứng của anh Nguyễn Sơn ở xã Công Hải. Năm 2005, sau khi xuất ngũ, anh Sơn về quê lập trại nuôi gà. Đến nay, trại gà đã có bảy nghìn con, trong đó có hơn ba nghìn con gà mái đẻ. Anh cho biết: “Doanh thu mỗi năm là bốn tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Năm 2013, sẽ nâng tổng đàn gà lên mười nghìn con, trong đó có năm nghìn gà mái đẻ”.
Hứa hẹn những mùa bội thu
Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được xem là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Thuận Bắc. Vì địa hình nhiều đồi núi, đất thích hợp để sản xuất nông nghiệp không nhiều, cho nên huyện chỉ còn giải pháp duy nhất là tập trung đầu tư thủy lợi để khai thác điều kiện tự nhiên đặc thù gắn với hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Trước khi triển khai, ngoài việc tuyên truyền chủ trương, UBND huyện tổ chức cho cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân và hàng trăm nông dân tiêu biểu đi học tập, nghiên cứu những mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả tại các tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Phước, Tiền Giang…; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn điều khiển máy cày, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Hiện nay, tại các xã Phước Chiến, Công Hải, Lợi Hải… hàng trăm héc-ta cây mít nghệ, chuối, bắp phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào dân tộc Raglai.
Vượt qua con đường bê-tông dài hơn 20 km ngoằn ngoèo và ngày càng dốc từ xã về trung tâm huyện, chúng tôi ghé thăm vùng đất của ông Lâm Văn Xuyến, 58 tuổi, ở thôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến. Ông Xuyên đang trồng thí điểm ba nghìn cây chuối trên 3 ha đất rẫy theo đề án Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi. Ông nói: “Mình được hỗ trợ cây giống, phân bón hơn 75 triệu đồng và có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cho nên rất yên tâm. Để lấy ngắn nuôi dài và cải thiện đời sống ban đầu, mình trồng xen kẽ cây đậu xanh, bắp lai tốt lắm”. Nhìn vườn chuối đang vươn cao, xanh tốt, chúng tôi tin gia đình ông sẽ sung túc trong vài năm tới. Cùng niềm vui, nông dân Chamaléa Xưa ở thôn Đầu Suối B vừa phát dọn cỏ vườn mít, vừa nói: “Nhờ có cán bộ “cầm tay chỉ việc”, cho nên mình chăm sóc cây mít nghệ là xanh um. Chừng hơn một năm nữa thôi, mình sẽ có mít để bán rồi”.
Các mô hình của dự án không chỉ để giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Trong năm 2012, ngoài mô hình trồng thí điểm, từ vốn Chương trình 135 là 1,2 tỷ đồng, huyện Thuận Bắc đã triển khai hỗ trợ 864 hộ dân ở các xã: Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Công Hải và Lợi Hải, trồng đại trà hơn 43 nghìn cây mít nghệ (50 cây/hộ) trên diện tích 216 ha đất dốc, triền núi mà lâu nay bà con chỉ làm nương rẫy, canh tác cây ngắn ngày, năng suất rất bấp bênh. Tại các xã Công Hải, Lợi Hải người dân tộc Raglai từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu bằng cách thay thế cây bắp địa phương có năng suất thấp bằng cây bắp lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Đơn cử là mô hình sản xuất bắp lai NK66, năng suất bình quân 65 tạ/ha/vụ, lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi tập trung cũng đã giúp bà con nâng cao nhận thức, từng bước xây chuồng trại chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Khai thác lợi thế để bứt phá
Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận Phạm Văn Hường phân tích: “Điều kiện tự nhiên ở Thuận Bắc rất khắc nghiệt, thường gánh chịu tác hại của hạn hán, nhưng 5 năm qua, đã trồng lúa ổn định ba vụ/năm ăn chắc, trồng các loài cây ăn quả phát triển tốt ở hầu hết đất đồi núi dốc. Đạt được kết quả đó là do huyện đã khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi”.
Từ năm 2005 đến nay, hệ thống thủy lợi Sông Trâu có dung tích hơn 31 triệu m3 và các công trình thủy lợi lớn nhỏ khác ở các xã được đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ngày càng hiệu quả. Cụ thể, đã có gần 4.000 ha đất nông nghiệp được phục vụ tưới ổn định. Hiện nay, các xã đều thành lập Đội Thủy nông nội đồng, tổ chức nạo vét kênh mương trước mỗi mùa vụ. Trạm Thủy nông huyện có phương án điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, tưới luân phiên giữa các đập, kênh trong hệ thống, từng xứ đồng, bảo đảm cung cấp nước tưới ổn định. Giai đoạn 2013-2015, từ nguồn ngân sách tỉnh và trung ương đầu tư gần 500 tỷ đồng, xây dựng 27 công trình thủy lợi với tám hồ đập, 19 công trình kiên cố hóa, mở rộng kênh mương, xây dựng hệ thống trạm bơm tại các xã Bắc Phong, Lợi Hải, Công Hải để bảo đảm nước tưới cho gần 1.000 ha đất sản xuất mới. Riêng trong năm 2013, sẽ có 16.500 m kênh mương được xây kiên cố. Phát huy lợi thế sẵn có, huyện đang dần định hình vùng chuyên canh lúa với diện tích hơn 1.900 ha và vùng nguyên liệu mía hơn 170 ha; hình thành liên kết bốn nhà, giúp nông dân xóa bỏ tập quán sản xuất nhỏ lẻ.
Đứng trên một góc của triền núi Gụ ở độ cao gần một nghìn mét đang bao bọc các xã vùng cao Phước Chiến, Phước Kháng, Lợi Hải… phóng tầm mắt nhìn thấy nhiều dãy núi, đồi của Thuận Bắc đang được các loài cây ăn quả phủ xanh, chúng tôi tin rằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sẽ khấm khá hơn. Những vụ mùa bội thu đang hứa hẹn phía trước, với hơn 8.600 ha đất mà huyện đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()