Thoát nghèo, làm giàu từ cây cao-su
Trang trại trồng cao-su ở Tân Kỳ (Nghệ An). Có thể nói, dự án trồng cao-su ở vùng đất miền tây Nghệ An đầu tư đến đâu thì nông dân có việc làm đến đó, cơ sở hạ tầng cũng được xây dựng khang trang hơn. Từ những vùng đất đồi núi nghèo kiệt, chỉ vài ba năm sau đã trở thành những cánh rừng bạt ngàn cao-su xanh mướt. Đặc biệt hơn, từ khi có dự án trồng cao-su, hàng trăm người dân nơi đây có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều nông dân nghèo trở nên khá giả.Trở thành công nhânChúng tôi vượt đỉnh Cao Vều lên thăm Nông trường cao-su 12-9, nơi đồi núi bạt ngàn cao-su thuộc địa bàn huyện Thanh Chương và Anh Sơn (Nghệ An). Trước đây rất nhiều người dân địa phương phải vào rừng hái lượm kiếm sống; đến dịp mùa vụ lại xuống núi làm thuê cho các chủ đồi chè hoặc đốt rẫy thuê cho các nông, lâm trường. Công việc nặng nhọc, thu nhập lại thấp nhưng người dân vẫn phải ráng làm để kiếm sống. Hơn hai năm nay, kể từ khi đất rừng được chuyển đổi...
Trang trại trồng cao-su ở Tân Kỳ (Nghệ An). |
Trở thành công nhân
Chúng tôi vượt đỉnh Cao Vều lên thăm Nông trường cao-su 12-9, nơi đồi núi bạt ngàn cao-su thuộc địa bàn huyện Thanh Chương và Anh Sơn (Nghệ An). Trước đây rất nhiều người dân địa phương phải vào rừng hái lượm kiếm sống; đến dịp mùa vụ lại xuống núi làm thuê cho các chủ đồi chè hoặc đốt rẫy thuê cho các nông, lâm trường. Công việc nặng nhọc, thu nhập lại thấp nhưng người dân vẫn phải ráng làm để kiếm sống. Hơn hai năm nay, kể từ khi đất rừng được chuyển đổi sang thực hiện dự án trồng cao-su, hàng trăm hộ gia đình nông dân ở xã nghèo này đã mau chóng trở thành công nhân của dự án. Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân đội sản xuất 1, Nông trường cao-su 12-9, tâm sự: “Quê em ở xã Thanh Nho. Gia đình bố mẹ đều là nông dân. Sau khi tốt nghiệp THPT, do không có điều kiện đi học tiếp cho nên em đi làm thuê khắp nơi trong vùng; khi thì hái chè thuê cho Nông trường chè Hạnh Lâm, khi thì đi phát thực bì thuê cho Tổng đội TNXP, lâm trường… nhưng thu nhập rất ít. Khi dự án cao-su về đây, em xin vào làm công nhân nông trường và được nhận khoán, trồng, chăm sóc và bảo vệ năm ha. Công việc ban đầu tuy có chút vất vả nhưng thu nhập bình quân mỗi tháng từ bốn đến năm triệu đồng; lại được đóng các loại bảo hiểm nữa. Với nguồn thu nhập này, người dân Thanh Nho bao đời nay nằm mơ cũng không thấy. Có thu nhập, em đã giúp được gia đình dần thoát nghèo, giúp đỡ bố mẹ nuôi mấy đứa em ăn học. Không riêng gì em mà cũng chính trên mảnh đất rừng này, từ khi chuyển đổi sang trồng cây cao-su thì đời sống của không ít bà con nông dân thật sự thoát nghèo”.
Anh Nguyễn Văn Đang, công nhân sản xuất đội 1, Nông trường cao-su 12-9 cho biết: Ngay từ khi dự án trồng cao-su về địa phương, anh Đang xin vào làm công nhân chăm sóc năm ha cây cao-su. Công việc không vất vả như đi làm thợ hồ mà thu nhập lại cao hơn, ổn định hơn. Để tạo thêm việc làm trong gia đình, Đang xin công ty nhận khoán, mở rộng diện tích trên phần đất mình quản lý để trồng cao-su cho nông trường. Từ đó gia đình anh không những thoát khỏi hộ nghèo mà còn có cuộc sống ổn định, phấn khởi nhất là được công ty đóng đầy đủ các loại bảo hiểm hằng tháng để sau này nghỉ, được nhận lương hưu.
Cũng như anh Đang, anh Bá Trọng Biên, quê ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, công nhân đội 4 Nông trường cao-su 12-9, phấn khởi cho biết: Khi dự án cao-su về huyện miền núi Anh Sơn, tôi đã cùng vợ là Nguyễn Thị Thủy nộp đơn xin vào làm công nhân cho nông trường. Để công việc hiệu quả, anh chị phải gửi ba đứa con nhỏ cho bố mẹ trông, vào dựng lán trại ở khu vực xã Hội Sơn để nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ vườn cao-su. Ngoài thời gian lên đồi chăm sóc cao-su, vợ chồng anh còn tranh thủ nuôi thả hàng trăm con gà, gần chục con lợn. Chị Thủy tâm sự: “Từ hai bàn tay trắng, nhờ được vào làm công nhân nông trường mà cuộc sống của gia đình em đã ổn định từ hai năm nay. Ngoài mức lương gần chục triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng do nông trường chi trả, mỗi vụ vợ chồng em còn thu nhập gần chục triệu đồng từ tiền chăn nuôi gia súc, gia cầm”. Ngoài các hộ chúng tôi gặp, có hàng chục hộ dân khác cũng đổi đời nhờ được nông trường nhận vào làm công nhân cao-su. Bên cạnh nguồn thu chính từ lương do công ty cao-su trả, nhiều hộ dân đã tranh thủ trồng thêm cây rễ hương dưới tán rừng cao-su, vừa để bảo vệ cao-su khỏi bị xói mòn, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Đổi đời nhờ cao-su
Thực hiện dự án này, khung giá đền bù đất thuê, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất có hơn ba trăm hạng mục đền bù khác nhau cho nên nhiều hộ gia đình được nhận nhiều mức giá khác nhau. Ngoài số tiền hỗ trợ thuê đất 3,2 triệu đồng/ha, giá đền bù còn phụ thuộc giá trị từng loại cây khác nhau, do UBND tỉnh quy định. Chị Nguyễn Thị Hòe ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, cho biết, gia đình chị có hơn 20 ha rừng (được nhận khoán từ trước) nằm trong vùng dự án trồng cao-su. Phần lớn số diện tích này trước kia thuộc diện rừng nghèo kiệt cho nên thu nhập từ rừng không cao. Khi dự án trồng cao-su vào thì mọi chuyện đã thay đổi. Ngoài khoản tiền đền bù cây cối, hoa màu trên diện tích được vài trăm triệu đồng (chủ yếu tiền đền bù cây keo và bạch đàn) hai vợ chồng và con gái lớn của chị còn được nhận vào làm công nhân cao-su với mức thu nhập bình quân từ bốn đến năm triệu đồng/người/tháng. Được biết, ở xã Hội Sơn, không riêng gì gia đình chị Hòe mà còn có hàng trăm hộ khác cũng được đổi đời nhờ tiền đền bù của dự án. Ở khu vực xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, đất rừng của bà con trước khi chuyển về dự án cao-su chủ yếu được trồng keo, đã sắp đến chu kỳ thu hoạch cho nên mức giá đền bù khá cao, khoảng 40 đến 50 triệu đồng/ha. Một số hộ dân sau khi nhận tiền đền bù xong, được công ty cao-su tiếp nhận làm công nhân như: hộ gia đình anh Nguyễn Vĩnh Hưng nhận hơn 354 triệu đồng, anh Nguyễn Công Năm nhận 580 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Long nhận 618 triệu đồng, anh Nguyễn Tất Hùng 350 triệu đồng… thì niềm vui lại được nhân lên gấp bội. Anh Long nói: “Ở quê nghèo, nghe nói đến trăm triệu bạc là ghê gớm lắm, có nằm mơ mới thấy. Ấy vậy mà giờ đây tôi đang nắm trong tay hơn 600 triệu đồng, nhiều khi cứ nghĩ là mình đang nằm mơ. Có số tiền này, tôi gửi ngân hàng lấy lãi. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được nhận một suất vào làm công nhân nữa, riêng tiền lương của một suất công nhân này đã khoảng bốn đến năm triệu đồng, cả gia đình tôi đã sống sung túc rồi. Nhà tôi đã thật sự đổi đời nhờ dự án cao-su”.
Một số công nhân trước đây cũng được Lâm trường Anh Sơn giao khoán hàng chục ha rừng trồng (chủ yếu là keo và bạch đàn) đã đến kỳ thu hoạch, nay nhập về Công ty cao-su Nghệ An giờ trở thành tỷ phú. Anh Nguyễn Đình Tuấn, nguyên cán bộ Lâm trường Anh Sơn tâm sự: “Trước đây, khi còn ở lâm trường, ngoài một ít đất rừng của gia đình “tậu” được, tôi còn nhận khoán hàng chục ha rừng trồng của lâm trường, chủ yếu trồng keo lai, sắp đến kỳ thu hoạch. Gần đây, sau khi UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chuyển đổi Lâm trường Anh Sơn về Công ty CP Đầu tư và Phát triển cao-su Nghệ An để thực hiện dự án trồng cây cao-su trên quê hương Bác Hồ, ngoài khoản tiền đền bù hơn một tỷ đồng, tôi còn được phía Công ty cao-su Nghệ An tiếp nhận trở thành người của công ty. Nhận khoản tiền đền bù rồi, tôi tiếp tục được công ty cho nhận khoán lại số diện tích nói trên để tiếp tục sản xuất như bao người công nhân khác. Nhờ vậy mà chưa đầy hai năm nay, ngoài công việc làm cán bộ ở công ty này, tôi còn biến gần chục ha rừng nghèo trước đây của lâm trường giao khoán thành đồi cao-su xanh tốt. Số diện tích cao-su này, chỉ hơn bốn năm nữa là sẽ cho thu hoạch tiền tỷ”. Ông Phạm Trung Thái, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Từ tháng 4-2012 đến nay, công ty đã phát sẻ được 630 ha, trong đó: Đốt dọn thực bì 580 ha, đào hố 210 ha, trồng mới 60 ha. Dự kiến hết năm 2012, đưa tổng diện tích cao-su của công ty lên 1.200 ha, tiếp nhận và bố trí việc làm cho 550 lao động, phấn đấu thu nhập bình quân đạt từ 3,8 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo ông Thái, công ty sẽ đứng ra đảm nhận trước tỉnh, tiếp nhận giải quyết việc làm cho số hộ dân tái định cư của dự án thủy điện Bản Vẽ vào làm công nhân ở công ty.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, nông dân ở Hoa Sơn, Anh Sơn trong vùng dự án cao-su: Ngày xưa gia đình tôi lên đây chỉ biết phá rừng kiếm sống, nhưng hai năm nay gia đình tôi được trả nợ cho rừng bằng những đồi cao-su xanh tốt. Gia đình tôi có hai con trai và ba đứa cháu được Công ty cao-su Nghệ An nhận vào làm công nhân, mỗi tháng mỗi đứa tiền lương đưa về cho gia đình từ bốn đến năm triệu đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()