Thoát nghèo bền vững nhờ sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả
Chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội với nguồn vốn vay hộ nghèo, giải quyết việc làm là điểm sáng nhất để chúng ta thoát nghèo nhanh và bền vững.
Ở những nơi mà hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo đã kéo dài cả hàng chục năm, dường như cái nghèo đã ăn sâu vào suy nghĩ, lối sống và trở thành một phần quen thuộc. Khi gặp rủi ro từ thiên tai, bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống họ đều trông chờ vào các khoản trợ cấp cho hộ nghèo của Nhà nước. Thoát nghèo đối với người nghèo không chỉ là không thể, mà thậm chí còn trở nên không cần thiết vì thiếu những khoảng trợ cấp hộ nghèo, cuộc sống sẽ còn khó khăn hơn.
Suy nghĩ về cái nghèo chỉ thay đổi khi có những hỗ gia đình tiếp cận chính sách hỗ trợ của gia đình đã thoát nghèo vượt bậc, trở thành những hộ gia đình khá giả, thậm chí giúp cả các hộ nghèo khác thoát khỏi nghèo đói.
Dân hết nghèo, huyện thoát nghèo
Cách đây khoảng 10 năm trước, cứ nghe đến xuất khẩu lao động là người dân ở những bản làng người Tày nghèo khó tại Bắc Kạn đều cảm thấy sợ hãi. Với họ, từ vùng miền núi xuống Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương… làm việc tại các khu công nghiệp đã cảm thấy xa xôi, khó khăn chứ nói gì đến việc ra nước ngoài làm việc. Thế mà chỉ 2, 3 năm gần đây, người dân đã nghĩ khác, với họ, xuất khẩu lao động đã là trở thành một con đường để người dân nơi đây thoát nghèo hiệu quả.
Những năm gần đây, nhờ làm tốt chính sách tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ lao động huyện nghèo đi làm việc nước ngoài nên ngày càng có nhiều lao động ở Bắc Kạn xuất ngoại. Khi trở về, họ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những “hộ giàu” ở bản làng tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Từ đó, người dân thêm tin vào chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài của Đảng, Nhà nước.
Anh Nông Xuân Đề (27 tuổi, quê thôn Nà Niểm, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) là con trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân anh chỉ học hết cấp 2 nên anh chỉ ở nhà làm ruộng. Bố mẹ thường xuyên ốm đau nên kinh tế gia đình lúc nào cũng khó khăn, cả nhà không biết làm thế nào để có thể thoát khỏi nghèo đói.
Khi nghe địa phương tuyên truyền chính sách về đi xuất khẩu lao động, anh Đề đã tìm hiểu rất kỹ về các thị trường xuất khẩu lao động. Sau khi được tư vấn, thấy Nhật Bản là thị trường tiềm năng, anh Đề đã quyết tâm đi học tiếng và làm việc tại Nhật Bản.
Sau 3 tháng học tiếng Nhật, với chi phí khoảng 30 triệu đồng vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo chính sách của Nhà nước, anh đã được giới thiệu qua Nhật Bản làm việc trong một trang trại nông nghiệp trồng hoa, quả. Sau 7 tháng làm việc chăm chỉ, anh Đề đã tích góp được 250 triệu đồng.
“Đây là một số tiền lớn với tôi mà có nằm mơ, tôi và gia đình cũng chưa từng nghĩ tới. Nếu tiếp tục ở nhà làm ruộng thì có lẽ cả đời tôi cũng không tích góp được số tiền lớn như vậy. Tôi đang đầu tư để học thêm tiếng và dự định sẽ tiếp tục xin đi xuất khẩu lao động lại ở Nhật Bản để có thể tích góp thêm tiền về quê làm ăn,” anh Đề tâm sự.
Sau khi tham gia chương trình xuất khẩu lao động ngắn hạn (chỉ 7 tháng) có chi phí thấp khoảng 30 triệu đồng, anh Đề tự tin hơn khi có khoản tiền vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Chương trình xuất khẩu lao động ngắn hạn đặc biệt phù hợp với lao động miền núi, hộ nghèo.
Gia đình chị Trần Thị Huyền (32 tuổi, thôn Nà Kiêng, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể ) là một trong số ít hộ dân trong bản từng đi xuất khẩu ở Đài Loan. Sau 3 năm đi làm ở nước ngoài, trừ chi phí, hai vợ chồng chị Huyền nhận được khoảng 500-600 triệu đồng để đầu tư mua đất, xây nhà, mở tiệm bán tạp hoá và có thu nhập ổn định.
Từ những hộ gia đình thoát nghèo bền vững, xây dựng kinh tế gia đình ổn định như anh Đề, chị Huyền mà công tác giảm nghèo của huyện Ba Bể đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Để thoát nghèo và đem lại cuộc sống ổn định cho người dân, huyện Ba Bể đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông-lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao…
Huyện Ba Bể là một trong tám huyện thoát theo theo quyết định số 275/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 -2020 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Ba Bể đã trở thành điển hình của địa phương thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc cư trú dài hạn trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chính sách hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động giai đoạn 2016-2020 đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn, mở ra cơ hội cho người lao động ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trở về thoát nghèo bền vững.
Làm giàu từ vay vốn hộ nghèo
Năm 2001, gia đình ông Vũ Trí Long (sinh năm 1969) là một trong những hộ nghèo tại xóm 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ nguồn vốn vay 3 triệu đồng cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ, gia đình ông đầu tư mua một đôi bò và trồng cỏ voi để phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay hộ nghèo, chỉ sau 2 năm (năm 2003) từ một hộ nghèo, gia đình ông Long nhanh chóng trở thành hộ gia đình khá giả ở địa phương. Đến năm 2009, số lượng đàn bò của gia đình ông đã tăng lên hàng chục con, giá trị thời điểm đó khoảng 400 triệu đồng.
Trong quá trình chăn nuôi sản xuất gặp khó khăn, khi bò trượt giá, ông Long lại mạnh dạn vay thêm gần 20 triệu đồng từ gói vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ để chuyển hướng sang chăn nuôi lợn rừng. Chính sự thuận lợi trong việc vay vốn ưu đãi nên thời gian sau đó gia đình ông Long cũng đầu tư thêm nuôi hươu và trồng chè. Hiện tại, đàn hươu của gia đình ông là 26 con, thường xuyên cung cấp giống và nhung hươu cho thị trường.
Đến nay, mỗi năm gia đình ông Vũ Trí Long có thu nhập từ 250-300 triệu đồng từ chăn nuôi hươu, lợn rừng và trồng chè. Từ một hộ nghèo năm 2001, gia đình ông Long đã thoát nghèo bền vững. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Long còn góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng hơn chục lao động với thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội với nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo, giải quyết việc làm là điểm sáng nhất để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng khi nhập nguồn vốn giải quyết việc làm với nguồn vốn cho vay để xóa đói giảm nghèo thì tổng toàn bộ nguồn vốn này thực hiện hai mục tiêu: Mục tiêu thứ nhất là giảm nghèo, đó là mục tiêu có tính chất quyết định; Mục tiêu thứ hai là cho vay để giải quyết việc làm xóa đói giảm nghèo và thu hút người không có việc làm vào làm việc để thoát nghèo.
“Trước đây chúng ta giảm nghèo ở mức độ xóa đói cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa khỏi nghèo cùng cực, tiếp đến chúng ta giảm nghèo và đến nay là giảm nghèo bền vững. Chất lượng giảm nghèo hiện nay đã khác với 10 năm trước. Nếu như trước đây chúng ta thực hiện giảm nghèo theo chiều rộng, đi hàng ngang thì hiện nay chúng ta không thực hiện như vậy nữa mà tập trung giảm vào lõi nghèo, do đó càng về sau giảm nghèo càng khó khăn hơn,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo tổng hợp báo cáo hằng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có gần 2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp các hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, cải thiện được đời sống, thu hút tạo việc làm cho trên 100.000 lao động trong đó có hơn 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hơn 20.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 800.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 10.000 ngôi nhà ở cho hộ nghèo…
Năm 2018, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành giám sát về tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững hai năm theo Nghị quyết 76 của Quốc hội. Sang năm 2019, Quốc hội lại tiếp tục thực hiện cuộc giám sát sâu, giám sát về chương trình giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa và biên giới hải đảo. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với vấn đề giảm nghèo của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và và đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chính sách giảm nghèo luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tế giảm nghèo của từng giai đoạn, từng địa phương, các nhóm đối tượng với những đặc thù khác nhau./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()