Thoát ly văn mẫu: Khơi gợi sáng tạo cho học sinh THPT
– Để văn mẫu không làm “thui chột” sự sáng tạo của học sinh, những năm qua, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tìm hiểu, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khơi dậy sự sáng tạo của học sinh trong môn Ngữ văn.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã luôn chú trọng chỉ đạo công tác đổi mới phương pháp dạy học nói chung, nhất là phương pháp dạy học môn Ngữ văn giúp học sinh thoát ly văn mẫu, khơi gợi sự sáng tạo của các em.
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, 100% đơn vị trường THPT đã làm tốt việc đa dạng dạy và học, đặc biệt là môn Ngữ văn. Theo đó, các trường đã chủ động lồng ghép nhiều nội dung mới thu hút sự hứng thú của học sinh đối với môn học này.
Đơn cử như tại Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, việc thay đổi đa dạng phương pháp giảng dạy đối với các môn học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng được nhà trường thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Cô Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2021 – 2022, trường có 40 lớp học với hơn 1.400 học sinh. Đối với bộ môn Ngữ văn, việc sử dụng văn mẫu không còn quá xa lạ, nhưng có nhiều học sinh lệ thuộc văn mẫu đến mức cứ nhắc đến tác phẩm nào thì tìm những phân tích sẵn rồi chép chứ không quan tâm đến câu lệnh của đề bài, cũng không đọc qua nội dung. Chính vì thế, để học sinh không cảm thấy Ngữ văn là môn học “nặng” và thoát ly hoàn toàn khỏi văn mẫu, ngay từ đầu mỗi năm học, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch môn học, chuẩn bị kỹ lưỡng và phong phú nội dung bài giảng, đặc biệt, khuyến khích các thầy, cô giáo ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng để tăng sự sinh động, lôi cuốn; tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn thông qua kết hợp các thể loại: ca dao, âm nhạc, kể chuyện, thơ, hội họa… vào tiết học. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô còn tổ chức các trò chơi phù hợp như: ngôi sao may mắn, giải ô chữ, đuổi hình bắt chữ, ai nhanh hơn, trò chơi tiếp sức…để tạo sự hào hứng cho các em
Không chỉ Trường THPT Cao Lộc, thời gian qua, 33 đơn vị trường có bậc THPT còn lại trên địa bàn tỉnh đều chủ động triển khai đổi mới hình thức dạy và học đối với môn Ngữ văn, giúp học sinh thoát ly hoàn toàn khỏi văn mẫu như: trong các tiết học, giáo viên để học sinh có cơ hội nói lên cách hiểu, cách tư duy của mình về nội dung bài học; chú trọng khâu ra đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ… Buộc học sinh phải học hiểu, sáng tạo đi kèm với chính kiến, suy nghĩ cá nhân và cách liên hệ thực tế để giải quyết vấn đề; sử dụng sơ đồ tư duy để dạy, giúp học sinh nhớ dàn ý, nội dụng nhanh; tổ chức ngoại khóa trải nghiệm sân khấu hóa tác phẩm văn học; tổ chức các câu lạc bộ văn học…
Cô Hoàng Ngọc Lành, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn, Trường THPT Tràng Định, huyện Tràng Định cho biết: Để học sinh có thể tự tin viết bài, tránh phụ thuộc văn mẫu, đôi lúc chúng tôi phải chấp nhận cách diễn đạt có phần ngô nghê của học sinh. Đồng thời, thường xuyên ghi nhận và biểu dương sự tiến bộ của học sinh thông qua từng bài viết cũng sẽ tạo động lực để các em tự tin viết bài, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm sáng tạo cá nhân… dần dần buông bỏ các bài văn mẫu.
Từ nỗ lực của giáo viên, nhà trường, học sinh đã từng bước thoát ly văn mẫu đối với bộ môn Ngữ văn và có sự sáng tạo của cá nhân trong mỗi bài văn, từ đó góp phần nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp THPT trong toàn tỉnh. Được biết, kỳ tốt nghiệp THPT năm 2021, tỷ lệ học sinh trong toàn tỉnh đỗ tốt nghiệp đạt 97,8%, cao hơn các năm trước (năm 2019 là 90,34%; năm 2020 là 97,2%), có 10 trường đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tăng 2 trường so với năm 2020. Cả tỉnh có 86 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó, môn Ngữ văn có 20 học sinh đạt điểm 9 trở lên.
Em Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 2003), Trường THPT Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng là học sinh đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 cho biết: Trong quá trình học môn Ngữ văn, em thường tham khảo thêm những dẫn chứng, cách lập luận từ một số dạng bài trong văn mẫu. Nhưng văn mẫu dù đạt đến độ chuẩn mực cũng có sự chủ quan, góc nhìn của người viết, vì vậy chỉ nên tham khảo dữ liệu chứ không nên ảnh hưởng hoàn toàn từ văn mẫu dẫn đến bị chi phối theo cách viết, quan điểm của họ thì không còn là văn nữa. Để học tốt môn Ngữ văn, theo em trước hết phải học thật chắc kiến thức, phương pháp “nền” sau đó tham khảo thêm những dẫn chứng, cách lập luận…
Môn Ngữ văn giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học còn lại và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, đồng thời, cũng là môn học quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc, phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha… Vì thế việc giúp học sinh thoát ly văn mẫu, đa dạng hình thức giảng dạy môn Ngữ văn được ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục chú trọng triển khai trong thời gian tới.
THU HIỀN
Ý kiến ()