Thoáng Tây Bắc giữa núi đồi Đông Bắc
Học vì quê hương
Trong lễ bế giảng, nhiều người đã ngẩn ngơ ngắm nhìn tám cô gái dịu dàng với chiếc áo cóm khăn piêu như tám bông hoa ban nở trong điệu múa “Ing lả ơi”. Họ là những thành viên nữ ít ỏi của lớp học này. Và cả tiếng hát nam trầm của chàng trai Mông Giàng A Mùa với bài hát “Người Mèo ơn Đảng” khi cất lên đã tựa như tiếng của núi rừng… Thoáng Tây Bắc ấy đã quen thuộc với tôi trong những lần lên với Sìn Hồ, Mường Tè nghèo khó ở Lai Châu.
Trong nhóm múa xúng xính khăn áo ấy, dễ dàng nhận ra cô gái Thái 21 tuổi Lò Thị Thắm, thủ khoa của khóa học ngắn ngủi này. Thắm là con gái thứ hai trong gia đình bốn chị em gái ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Mường Tè. Thắm học giỏi, vừa tốt nghiệp lớp 12 năm ngoái, nhưng vì gia đình quá nghèo nên cô không thể đi học đại học được. Và khi xã thông báo chiêu sinh học viên đi học để về làm cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã thì cô đã xung phong ngay. Điểm bưu điện văn hóa xã nơi cũng khá quen thuộc với cô khi một vài lần đến đây lân la làm quen với máy tính.
Trong số các môn học, Thắm thấy khó nhất vẫn là môn kỹ thuật viễn thông. Những búi cáp màu xanh đỏ khiến cô rối mắt, không biết phải chia thế nào, nối vào đâu. Khi được hỏi về bí quyết của cô để vượt lên 25 bạn trai trong lớp học và trở thành thủ khoa, Thắm cười nói: “Em cũng chỉ học như các bạn thôi”. Cô mong muốn ngày trở về để được làm việc tại bản làng quê hương cô.
Nhưng không phải ai trong lớp cũng vượt qua các môn thi một cách dễ dàng như Thắm. Cô gái Đao Thị Bằng, từng có bốn năm làm việc tại một điểm bưu điện văn hóa xã nhưng chưa qua lớp đào tạo nào đã phải thốt lên rằng: “Làm quen với máy tính thật khó!”. Bằng kể, ban đầu nhìn bàn phím, cô không biết nốt nào với nốt nào cả, nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô mà cô đã quen dần với máy tính, biết vào mạng, gửi thư điện tử, soạn thảo văn bản… Bằng nói, cô sẽ truyền lại những kiến thức đã học về máy tính cho người dân chưa từng biết đến máy tính ở bản làng nhỏ bé của mình.
Người được các bạn nhắc đến nhiều nhất, như một “người hùng” của tập thể lớp bé nhỏ ấy chính là chàng trai người Thái Lý Văn Thành, sinh năm 1987. Thành ở bản Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè. Trong lớp, Thành là người duy nhất tiếp xúc với máy tính trước khi tham gia khóa học này, vì thế được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Thành kể, cậu được học về CNTT từ lúc học lớp 12, nhưng vẫn thấy còn nhiều kiến thức mà trong trường phổ thông vẫn chưa được học đến. Là lớp trưởng, Thành kèm thêm môn tin học cho nhiều bạn trong lớp còn học kém như Chang Văn Sạ, Khoàng Sè Sơn, Lý Xé Lòng… Kết quả là các bạn này đều vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp.
Trong lớp học đặc biệt ấy, ngoài những học viên của các dân tộc khá đông người như Thái, Dao, Mông, Hà Nhì…, còn có những học viên là đại diện duy nhất của một dân tộc.
Tôi bắt gặp Chang Văn Sạ, học viên người Cống duy nhất ngồi lặng lẽ một góc trong lớp học. Mặc dù có sự trợ giúp của lớp trưởng và các thầy cô giáo, Sạ chỉ “đỗ vớt” với số điểm tổng kết là 5, nhưng cậu vẫn tự tin đến 70% rằng mình sẽ làm tốt công việc tại Điểm bưu điện văn hóa xã Nậm Hàng quê mình.
Ngược lại với Sạ, cô gái người La Hủ duy nhất Phùng Mò Pứ ở bản Nậm Cấu, xã Bum Tở, huyện Mường Tè có số điểm tốt nghiệp chỉ đứng sau bốn bạn khá nhất lớp. Mặc dù đây là lần đầu tiên Pứ làm quen với máy tính, nhưng cô đã nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản. “Giờ đây em đã biết sửa ảnh, chèn hình ảnh vào văn bản và cả sử dụng internet để phục vụ công việc của mình” Pứ nói.
Dồn sức “xóa mù nét” cho huyện nghèo
Là nơi chuyên đào tạo cán bộ cho 16 tỉnh miền núi phía bắc, nhưng các thầy cô giáo trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin (BCVT-CNTT) miền núi ở Thái Nguyên vẫn xem lớp học theo Đề án 30a của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước này là một lớp học đặc biệt.
Vì thế, nhà trường đã phải soạn thảo giáo trình riêng, cử cô giáo phụ trách lớp nhiều kinh nghiệm nhất làm chủ nhiệm. Và đặc biệt hơn, người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các em chính là các thầy giáo chủ nhiệm các khoa Điện tử – Viễn thông, Tin học… của nhà trường.
Thầy Vũ Châu Minh, Trưởng khoa Tin học của trường cho biết, vì các học viên trong lớp gần như chưa được tiếp xúc với máy tính và CNTT nên thầy phải giảng giải từ những khái niệm ban đầu.Và giờ đây, ít nhất mỗi học viên đều có một hộp thư điện tử để trao đổi thông tin với nhau, biết sử dụng Excel, Microsoft Word để soạn thảo văn bản… “Đến thời điểm này, tôi hoàn toàn mãn nguyện về kết quả học tập của các em”, ông Minh nói.
Quyến luyến cùng các học viên nhất phải kể đến cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Nhuần. Trong lễ bế giảng cho 33 học viên tốt nghiệp, cô Nhuần vẫn bùi ngùi kể chuyện hai học viên đã không theo lớp đến cùng. Cậu bé Thào A Dzếnh sau khi xin nghỉ học về quê đã không trở lại nữa. 20 ngày sau, cô Nhuần đã gọi điện hỏi han và biết Dzếnh sợ không theo kịp các bạn. Mặc dù cô nài nỉ cậu quay lại và hứa sẽ kèm cặp cậu nhưng Dzếnh đã không trở lại học nữa.
Kể về học viên thứ hai bỏ học, cô Nhuần có vẻ vui hơn. Chàng trai người Mông Sùng A Chá đã từng tốt nghiệp trường trung cấp nông nghiệp, nhưng chờ đợi 2 năm ròng mà vẫn không xin được việc, cậu đành bán đi một con dê để lấy tiền khăn gói xuống Thái Nguyên học tiếp. Nhưng đang học thì lại nhận được quyết định phân việc. Giờ đây, Chá đã là cán bộ nông nghiệp huyện Mường Tè với mức lương 2 triệu đồng/tháng.
33 học viên còn lại, ai cũng nỗ lực hết mình để “xóa mù nét” cho mình, rồi góp phần xóa mù cho đồng bào ở quê hương. Nhờ giáo trình hợp lý, phương pháp giảng dạy “cầm tay chỉ việc” để chuyển tải những kiến thức cần thiết đến cho học viên, lớp học ấy đã tốt nghiệp với kết quả 18% đạt loại khá, 38% đạt trung bình khá và 44% đạt loại trung bình.
Sau khi tốt nghiệp trở về, 33 học viên sẽ trở về 33 xã quê mình để phục vụ tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hoặc sẽ là những người đưa thư, truyền báo đến tận hộ gia đình.
Sáng sớm ngày 14-10, các thầy cô giáo trường Trung học BCVT-CNTT miền núi đã đưa các học viên của lớp học đặc biệt ấy trở về Tây Bắc xa xôi. Thầy Hiệu trưởng Đinh Quang Minh đã không quên dặn với theo các em, rằng: CNTT và BCVT là một ngành phát triển nhanh, nên trong quá trình làm việc cần phải đọc thêm sách và cập nhật thông tin thường xuyên. Nếu có điều kiện, tham gia tiếp các khóa học nâng cao để củng cố kiến thức.
Nhìn theo những chàng trai vác ba lô trở về, tôi bỗng thoáng thấy cuốn giáo trình điện tử – viễn thông vẫn luôn ở trong tay Chang A Ló, Chang Văn Sạ, Giàng A Mùa…
Chắc hẳn họ không bao giờ quên những kiến thức mới mẻ và còn khá “xa xỉ” với những bản làng heo hút còn chưa có điện ở quê họ. Nhưng công nghệ thường phát triển rất nhanh chóng, tôi nhìn thấy niềm tin ở họ về một tương lai của những bản làng có điện, có “nét”, mà họ sẽ là những người “tiên phong” mang “ánh sáng văn minh” trở về.
Ý kiến ()