Thỏa thuận vì hòa bình
Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu về thỏa thuận với Macedonia.
Thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ của 153 trong tổng số 300 nghị sĩ, trong đó có một số nghị sĩ độc lập ủng hộ đảng Syriza của Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras. Ðây là thỏa thuận đạt được hồi giữa năm 2018, giữa Chính phủ Hy Lạp và Macedonia, nhằm giải quyết tranh cãi liên quan tên nước kéo dài gần 30 năm qua. Sau khi thông qua thỏa thuận nói trên, ngày 8-2 vừa qua, Quốc hội Hy Lạp cũng thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Macedonia.
Thủ tướng A.Tsipras khẳng định, những bước đi này đã “viết nên trang sử mới cho khu vực Balkan và sự thù địch cũng như xung đột lâu nay đã nhường chỗ cho tình hữu nghị, hòa bình và hợp tác”. Trong khi đó, Thủ tướng Macedonia Z.Zaev chúc mừng người đồng cấp Hy Lạp về chiến thắng mang tính lịch sử này, đồng thời coi thỏa thuận là nền tảng cho hòa bình lâu dài và tiến bộ của người dân Balkan và châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Juncker và Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg đều hoan nghênh bước đi tích cực của Hy Lạp. Chủ tịch EC cho rằng, việc thông qua thỏa thuận đã “viết nên một trang mới cho tương lai chung của châu Âu”. Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh, bước tiến này đã góp phần quan trọng vào ổn định và thịnh vượng của cả khu vực, đồng thời bày tỏ “mong đợi Cộng hòa Bắc Macedonia gia nhập NATO”.
Các nhà phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Macedonia đã trút bỏ được gánh nặng khi thỏa thuận nêu trên vượt qua được các cửa ải khó khăn tại quốc hội hai nước. Tại Hy Lạp, thỏa thuận từng làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ, dẫn tới việc một số bộ trưởng và quan chức từ chức do bất đồng về thỏa thuận, đồng thời khiến chính phủ liên minh của Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras đổ vỡ. Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía bắc bỏ tên gọi Macedonia, vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp.
Ðối với Macedonia, có thể nói Skopje đã loại bỏ được rào cản chính khiến nước này không thể đạt tiến triển trong nỗ lực trở thành thành viên của EU và NATO. Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát từ năm 1991, sau khi Macedonia tuyên bố độc lập. Athens không đồng tình khi quốc gia láng giềng lấy tên Macedonia, vì trùng tên một tỉnh ở phía bắc Hy Lạp và có thể gây hiểu nhầm về chủ quyền. Tại Hội nghị cấp cao NATO ở Romania năm 2008, Hy Lạp đã bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Macedonia, đồng thời yêu cầu giải quyết tranh cãi này trước. Sự bế tắc kéo dài gần 30 năm đã có cơ hội được khai thông khi hai nước đi đến một thỏa thuận vào tháng 6-2018. Theo đó, Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia và Hy Lạp sẽ chấm dứt phản đối nước láng giềng phía bắc gia nhập EU và NATO. Sau cuộc trưng cầu ý dân, Quốc hội Macedonia đã thông qua dự luật ủng hộ thỏa thuận. Thủ tướng G.Gia-ép từng khẳng định, Macedonia đổi tên vì tương lai của đất nước tại EU và NATO. Theo ông G.Gia-ép, việc trở thành thành viên EU và NATO sẽ giúp giải quyết những vấn đề về thất nghiệp và an sinh xã hội của nước này.
Con đường gia nhập EU và NATO của Macedonia mặc dù còn nhiều thách thức, song đã rộng mở hơn. Hôm 6-2, Macedonia đã ký nghị định thư gia nhập NATO. Các nhà phân tích khẳng định, thỏa thuận này là bước chuyển quan trọng đối với hai nước, đối với EU và NATO, cũng như chính trị, an ninh tại châu Âu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()