Thỏa thuận lịch sử về bảo vệ đại dương
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 4/3, các nước thành viên Liên hợp quốc cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả – vốn được coi là “kho báu” quan trọng, song dễ bị tổn thương. Ðây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như bảo đảm phát triển bền vững.
Các nhà hoạt động môi trường ở New York, Mỹ kêu gọi đạt được hiệp ước bảo vệ đại dương. |
Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và bảo đảm sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có bốn năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau năm vòng đàm phán kéo dài, do Liên hợp quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua ngày 4/3, một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) coi đây là một “chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương”. Ðây cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30×30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal (Canada) tháng 12/2022.
Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu sáng kiến 30×30, từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn. Do đó, tổ chức Greenpeace kêu gọi các nước cần chính thức thông qua hiệp ước, cũng như phê chuẩn càng sớm càng tốt để hiệp ước có hiệu lực, qua đó mang lại sự bảo vệ cho đại dương.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái đất, song biển cả rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế.
Lợi ích kinh tế là vấn đề lớn xuyên suốt vòng đàm phán mới nhất, bắt đầu từ ngày 20/2 vừa qua. Các nước đang phát triển kêu gọi chia sẻ thêm các lợi ích của “nền kinh tế xanh”, trong đó có việc chuyển giao công nghệ. Trong một động thái được coi là nỗ lực nhằm xây dựng niềm tin giữa các nước giàu và nước nghèo, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tài trợ 40 triệu euro (42 triệu USD) để tạo điều kiện cho việc phê chuẩn và sớm thực hiện hiệp ước.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế “Ðại dương của chúng ta” bế mạc ngày 3/3 tại Panama, EU đã công bố khoản đóng góp trị giá 860 triệu USD cho nghiên cứu, theo dõi và bảo vệ các đại dương trong năm 2023. 39 cam kết hành động của EU bao phủ nhiều lĩnh vực: Khu bảo tồn biển, ô nhiễm biển, biến đổi khí hậu, nghề cá bền vững, nền kinh tế xanh bền vững và an ninh hàng hải. Ngoài ra, EU cũng tham gia Liên minh hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Trong khoản tài trợ nêu trên của EU, khoảng 320 triệu euro được dành cho các dự án nghiên cứu đại dương nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương; 250 triệu euro được dùng để phóng vệ tinh Sentinel-1C nhằm giám sát tình trạng tan băng và theo dõi những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu; 126 triệu euro để bảo vệ đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu ở Benin, Guyana và Tanzania; 24 triệu euro để cải thiện quản lý nghề cá…
Theo nước chủ nhà Panama, các nước tham dự hội nghị đã cam kết đóng góp tổng cộng 19 tỷ USD. Tổng thống Panama Laurentino Cortizo (L.Coóc-ti-giô) đã ký sắc lệnh mở rộng khu bảo tồn biển Banco Volcan từ 14.000km2 lên 93.000km2. Theo Bộ trưởng Môi trường Panama, Panama sẽ bảo tồn hơn 54% diện tích đại dương trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
https://nhandan.vn/thoa-thuan-lich-su-ve-bao-ve-dai-duong-post741641.html
Ý kiến ()