Thỏa thuận hạt nhân Iran: Tín hiệu tích cực
Iran bày tỏ sự lạc quan về hướng đi của vòng đàm phán mới nhất tại Vienna (Áo) về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015.
Tehran đánh giá cách tiếp cận của các cường quốc tham gia đàm phán trực tiếp, gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, là nghiêm túc và thiện chí. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian nêu rõ, nếu các cường quốc cứ giữ thái độ tích cực và đặt mình vào vị trí của Tehran thì nhiều khả năng thỏa thuận hạt nhân sẽ sớm được hồi sinh.
Sự lạc quan của phía Iran cũng được thể hiện trong các tuyên bố của Nga và Liên minh châu Âu (EU). Đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Nga Mikhail Ulyanov tuyên bố, cuộc đàm phán đạt tiến triển “không thể chối cãi”, trong đó các bên nghiêm túc thảo luận, kể cả trong các cuộc gặp không chính thức, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết mà nước Cộng hòa Hồi giáo đưa ra để đổi lấy việc tuân thủ trở lại các yêu sách trong thỏa thuận JCPOA. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell ghi nhận “bầu không khí tốt hơn” của các cuộc đàm phán tại Vienna trong việc khôi phục thỏa thuận nhằm kiềm chế hoạt động hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, vòng đàm phán vẫn tồn tại một số điểm vướng mắc, nhất là những bất đồng chưa thể giải quyết giữa Iran và Mỹ, vốn chỉ tham gia đàm phán với tư cách gián tiếp. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken bày tỏ hoài nghi về khả năng các bên kịp đạt được thỏa thuận trong bối cảnh thời hạn sắp hết. Washington đang cân nhắc các phương án khác nếu đàm phán thất bại, đồng thời chỉ trích Iran không ngừng phát triển hạt nhân. Trong khi Iran kịch liệt phản đối việc Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nhà nước Hồi giáo, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, khiến quốc gia này rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, thì Washington và các đồng minh lại phản ứng dữ dội về việc Tehran tiếp tục làm giàu urani. Mỹ cho rằng, với công nghệ làm giàu urani, Iran hoàn toàn có thể chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran phản bác luận điểm của Mỹ và phương Tây, khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình. Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEIO) Ali Akbar Salehi khẳng định đã thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) việc Tehran tiến hành hoạt động làm giàu urani ở mức tinh khiết 60%.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn chưa được dỡ bỏ, Iran phải nỗ lực tự phát triển kinh tế và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các quốc gia Arab. Iran và Syria vừa đạt thỏa thuận thành lập đặc khu kinh tế chung và ngân hàng chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Iran cũng tiến gần tới việc khôi phục hoàn toàn quan hệ với Saudi Arabia, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Tín hiệu vui này có được là nhờ Tehran và Riyadh đã tiến hành bốn cuộc đàm phán dưới sự trung gian hòa giải của Iraq, nhằm “hạ nhiệt căng thẳng” trong quan hệ song phương. Theo đó, Iran và Saudi Arabia đã thảo luận kế hoạch mở lại các đại sứ quán, bị đóng cửa kể từ khi hai nước “ngừng chơi” với nhau năm 2016.
Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir Abdollahian vừa có chuyến thăm Trung Quốc và cùng người đồng cấp nước chủ nhà thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương. Hai bên tuyên bố triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược Iran-Trung Quốc kéo dài 25 năm được ký kết tại Tehran hồi tháng 3/2021, cũng như nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, khoa học-công nghệ, y tế… Iran cũng đã khôi phục quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc sau khi Mỹ đồng ý cho Tehran sử dụng khoản tiền đang bị phong tỏa tại Hàn Quốc để thanh toán trước 16,2 triệu USD trong số 65 triệu USD còn nợ Liên hợp quốc.
Cộng đồng quốc tế vẫn luôn mong đợi tín hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc. Việc các bên tiếp tục thể hiện thiện chí và triển vọng bắt tay nhau khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran sẽ mang hòa bình và ổn định quay trở lại khu vực Trung Đông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()