Thỏa hiệp khó khăn
Sau hàng loạt cuộc thương lượng trong thế giằng co quyết liệt cả trong và ngoài bàn đàm phán, tưởng như chẳng bên nào chịu bên nào, Nhà trắng và phe Cộng hòa tại QH cũng thỏa hiệp để tháo nút thắt "vách đá tài chính". Tuy chưa trọn vẹn và làm hài lòng cả đôi bên, nhưng thỏa hiệp này bước đầu đã giải tỏa một phần thế bế tắc từng đốt nóng chính trường Mỹ và đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế số một thế giới.Những ngày cuối năm 2012, nước Mỹ đã chấn động, bàng hoàng bởi vụ xả súng tại Trường tiểu học Xan-đi Húc, quận Niu-thao, bang Con-nếch-ti-cớt làm 26 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Và càng nóng hơn khi thời hạn chót xảy ra kịch bản "vách đá tài chính" kề cận. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ Giáng sinh tại Ha-oai để trở về Oa-sinh-tơn gặp và đối thoại với các nhân vật chủ chốt tại cơ quan lập pháp. Thượng viện Mỹ cũng phải làm việc trong những ngày nghỉ cuối tuần để tìm cách tháo gỡ bế tắc tài chính... Trong các...
Những ngày cuối năm 2012, nước Mỹ đã chấn động, bàng hoàng bởi vụ xả súng tại Trường tiểu học Xan-đi Húc, quận Niu-thao, bang Con-nếch-ti-cớt làm 26 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Và càng nóng hơn khi thời hạn chót xảy ra kịch bản “vách đá tài chính” kề cận. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ Giáng sinh tại Ha-oai để trở về Oa-sinh-tơn gặp và đối thoại với các nhân vật chủ chốt tại cơ quan lập pháp. Thượng viện Mỹ cũng phải làm việc trong những ngày nghỉ cuối tuần để tìm cách tháo gỡ bế tắc tài chính…
Trong các cuộc thương lượng gian nan và kéo dài nhằm chạy đua với thời hạn chót 31-12-2012, hai bên tỏ ra hết sức cứng rắn, không nhượng bộ nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Nhà trắng và phe Dân chủ quyết đòi tăng thuế đối với nhóm 2% người siêu giàu ở Mỹ, trong khi phe Cộng hòa thẳng thừng từ chối mọi giải pháp đề cập tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, trước sức ép mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước Mỹ, Nhà trắng cùng các nghị sĩ của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa tại QH cũng thỏa hiệp đầy khó khăn ngay trước thềm năm mới. Theo thỏa thuận mới dàn xếp giữa hai bên, thuế suất sẽ tăng đối với những cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên (cao hơn so mức đề xuất trước đây của Tổng thống Ô-ba-ma và các nghị sĩ dân chủ là 250.000 USD); và hộ gia đình là 450.000 USD/năm. Đồng thời, gia hạn một năm hưởng trợ cấp thất nghiệp với khoảng hai triệu người Mỹ… Thỏa thuận tiếp tục chờ Thượng viện và Hạ viện thông qua, trong đó cuộc bỏ phiếu tại “cửa ải” Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phải bước sang năm mới 2013.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà hoạch định chính sách ở Oa-sinh-tơn đều phải nhượng bộ và thỏa hiệp, bởi hơn ai hết họ hiểu cái giá đắt phải trả nếu để kịch bản “vách đá tài chính” xảy ra đầu năm 2013. Khi đó, cùng với việc thuế tăng, ngân sách liên bang tự động cắt giảm, với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới đối mặt khó khăn chồng chất, nợ công khổng lồ hơn 16.000 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, thì kịch bản Mỹ rời khỏi “vách đá tài chính” rơi xuống “vực thẳm” thật sự là đòn giáng mạnh, đẩy nền kinh tế phục hồi mong manh trở lại suy thoái nghiêm trọng. Hơn nữa, việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu ngân sách sẽ khiến cuộc sống của hàng triệu người lao động Mỹ, người nghèo, thất nghiệp đang gặp khó khăn càng thêm điêu đứng và đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vào tình trạng đình đốn…
Những xáo trộn kinh tế tại Mỹ cũng tác động tiêu cực dây chuyền tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Giám đốc Bộ phận phân tích và chính sách phát triển của Vụ Kinh tế và Các vấn đề xã hội LHQ (DESA) R.Vốt cảnh báo, nếu Mỹ không vượt qua “vách đá tài chính”, kinh tế thế giới có thể lại rơi vào một cuộc suy thoái mới.
Bế tắc tài chính nguy hiểm được tháo ngòi nhờ sự thỏa hiệp của những người có trách nhiệm, nhưng chính thỏa thuận này lại ít nhiều ảnh hưởng xấu đến danh dự, tín nhiệm của Tổng thống B.Ô-ba-ma và cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa, vì họ không giữ được lời hứa trong quá trình vận động tranh cử vừa qua. Dù sao, điều họ mất cũng không đáng kể so với những tổn thất lớn và hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu nước Mỹ rơi xuống “vực thẳm tài chính”.
Cơn ác mộng “vách đá tài chính” chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” là những khó khăn, thách thức vốn đã tồn đọng lâu nay trong lòng nước Mỹ, như nợ công, thất nghiệp, bạo lực… và nhất là mâu thuẫn giữa cơ quan hành pháp và lập pháp. Những diễn biến mới nhất trên chính trường Mỹ càng cho thấy sự chia rẽ, phân cực chính trị sâu sắc đang diễn ra tại nước này. Và đây luôn là nguyên nhân chính khiến các bên khó khăn để đạt thỏa thuận như mong muốn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()