Thợ Sông Ðà trên các công trình trọng điểm
Thợ Sông Đà thi công bê-tông mặt đập Thủy điện Sơn La. Tiền thân là Công ty xây dựng thủy điện Thác Bà, đến nay Tập đoàn Sông Đà đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Những người thợ Sông Đà hôm nay đang tham gia, xây dựng nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia trên mọi miền đất nước. Giữa những ngày tháng 5 lịch sử trên các công trình xây dựng thủy điện Sơn La và Lai Châu, diễn ra không khí lao động khẩn trương của những người thợ Sông Đà.Dấu ấn từ Sơn LaCó mặt trên công trường Thủy điện Sơn La sau khi tổ máy số 2 chính thức hòa lưới điện quốc gia, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của nhà thầu Sông Đà trong suốt quá trình xây dựng công trình. Để đạt được mục tiêu vượt tiến độ, những con người tham gia xây dựng công trình này phải vượt qua biết bao khó khăn.Với công suất 2.400 MW (6 x 400 MW), diện tích 224 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỷ m3 nước, khi hoàn thành, hằng năm sẽ cung cấp gần 10,2 tỷ kW...
Thợ Sông Đà thi công bê-tông mặt đập Thủy điện Sơn La. |
Tiền thân là Công ty xây dựng thủy điện Thác Bà, đến nay Tập đoàn Sông Đà đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Những người thợ Sông Đà hôm nay đang tham gia, xây dựng nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia trên mọi miền đất nước. Giữa những ngày tháng 5 lịch sử trên các công trình xây dựng thủy điện Sơn La và Lai Châu, diễn ra không khí lao động khẩn trương của những người thợ Sông Đà.
Dấu ấn từ Sơn La
Có mặt trên công trường Thủy điện Sơn La sau khi tổ máy số 2 chính thức hòa lưới điện quốc gia, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của nhà thầu Sông Đà trong suốt quá trình xây dựng công trình. Để đạt được mục tiêu vượt tiến độ, những con người tham gia xây dựng công trình này phải vượt qua biết bao khó khăn.
Với công suất 2.400 MW (6 x 400 MW), diện tích 224 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỷ m3 nước, khi hoàn thành, hằng năm sẽ cung cấp gần 10,2 tỷ kW giờ điện, Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông – Nam Á. Nhìn từ phía hạ lưu, đập Thủy điện Sơn La cao sừng sững chắn ngang dòng sông Đà hung dữ với gần 5 triệu m3 bê-tông đã thi công, trong đó có khoảng 3 triệu m3 bê-tông đầm lăn (RCC). Công nghệ thi công RCC do Công ty cổ phần Sông Đà 5 và Sông Đà 9 đảm nhận. Đến hôm nay, thợ Sông Đà đã lập được kỳ tích, hiệu suất thi công nhiều tháng cao điểm đạt hơn 180.000 m3 bê-tông/tháng, trong khi yêu cầu tiến độ là 120.000 m3. Theo tính toán, để có một triệu m3 bê-tông đầm lăn, một công ty sản xuất theo phương pháp truyền thống phải mất 20 năm làm việc liên tục, nhưng với một trạm trộn 720 m3/giờ chỉ cần tám tháng là hoàn thành khối lượng. Nếu đem so sánh, năng lực thi công và năng suất lao động tại Thủy điện Sơn La với thời kỳ làm đập ở Thủy điện Hòa Bình, năng suất lao động tăng từ sáu đến tám lần, khối lượng đào, san lấp đất đá các loại tăng từ 15 triệu m3 lên 50 triệu m3/năm, đổ bê-tông các loại tăng bốn lần.
Việc thiết kế, thi công Thủy điện Sơn La hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ. Số lượng chuyên gia nước ngoài làm việc tại Thủy điện Sơn La hiện nay chỉ còn hơn 10 người. Các công đoạn từ quản lý, điều hành, thiết kế, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp đều được các kỹ sư, công nhân Việt Nam hoàn thành xuất sắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Hiện nay, tại công trường Sông Đà 5 và Sông Đà 9 chỉ 'cắm chốt' một số đơn vị để hoàn thiện nốt công việc đổ bê-tông mặt đập, nhà máy và cửa nhận nước với khối lượng khoảng 10 nghìn m3 bê-tông. Anh Phan Việt Anh, thuộc Công ty TNHH MTV 707 cho biết: Anh là một trong những người đầu tiên lên Thủy điện Sơn La (tháng 8-2004). Ngày ấy công trường chỉ có mấy công trình phụ trợ, đường vào chưa làm xong nhưng đến nay, hai tổ máy đã hòa lưới điện quốc gia, các tổ máy 4, 5, 6 cũng đang trong giai đoạn lắp đặt. Qua tám năm xây dựng, hai tổ máy đã phát điện vượt tiến độ. Có được thành công hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, qua công trình này, tay nghề của công nhân, trình độ quản lý điều hành của cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Sông Đà được nâng cao và trưởng thành vượt bậc.
Thời điểm này không khí lao động tại công trường đã bớt căng thẳng, nhiều đơn vị đã rút lên Thủy điện Lai Châu, nhưng công việc lắp đặt các tổ máy còn lại vẫn do Công ty cổ phần Lilama 10 đảm nhiệm với tinh thần lao động hết sức khẩn trương. Tiến độ bốn tháng lắp đặt đưa vào hoạt động một tổ máy là một kỷ lục mới, khẳng định trình độ, năng lực ngày càng cao của các kỹ sư, công nhân Việt Nam. Hiện nay, toàn công trường đang phấn đấu vượt tiến độ, hoàn thành nhà máy sớm hơn hai tháng so mục tiêu ban đầu của Quốc hội, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách.
Sôi động trên công trường Thủy điện Lai Châu
Trước ngày khởi công Thủy điện Lai Châu, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nhiều hạng mục phụ trợ phục vụ thi công đã cơ bản hoàn thành. Con đường vào thủy điện ngày trước giờ đã chìm sâu dưới dòng nước sau khi Thủy điện Sơn La đóng cống dẫn dòng tích nước. Nhìn từ phía cầu Hang Tôm mới, chiếc cầu dây văng đẹp nhất vùng Tây Bắc, dấu vết của chiếc cầu cũ giờ chỉ còn nhô lên hai đỉnh trụ cầu. Giao thông từ thị xã Mường Lay vào thủy điện đã thuận tiện hơn nhiều, trước đây anh em công nhân muốn về quê nghỉ phép phải 'tăng bo' một chặng ra thị xã rồi mới chuyển tiếp, hiện nay đã có tuyến xe chạy thẳng từ thủy điện về Hà Nội.
Phát huy những kinh nghiệm và thành công tại Thủy điện Sơn La, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế quản lý và thực hiện dự án Thủy điện Lai Châu, theo đó, các đơn vị xây dựng của Thủy điện Sơn La sẽ tiếp tục thi công Thủy điện Lai Châu. Hiện nay, các đơn vị thuộc Tập đoàn Sông Đà và nhà thầu Trường Sơn đang huy động lực lượng, tổ chức triển khai thi công khẩn trương từ năm đầu tiên với số lao động thường xuyên hơn 3.000 người. Đến đầu tháng 4, các nhà thầu đã huy động 75 tổ hợp đào xúc vận chuyển đất đá, 18 cần cẩu, 20 xe vận chuyển bê-tông, bảo đảm đủ lực lượng thi công, bảo đảm thực hiện khối lượng đào đắp 1,6 triệu m3/tháng, thi công bê-tông cống dẫn dòng 30 nghìn m3/tháng. Các cơ sở hạ tầng phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho người lao động trên công trường như trạm xá, trường học, trụ sở công an, cứu hỏa… đang triển khai tích cực, phấn đấu trong vòng hai tháng tới sẽ hoàn thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các dịch vụ truyền thông như: In-tơ-nét, 3G, Fax và các dịch vụ ngân hàng, bưu chính… đã hoạt động ổn định từ tháng 7-2010.
Phó Giám đốc Ban điều hành tổng thầu Thủy điện Lai Châu Lương Chí Nam cho biết: Hiện nay, các đơn vị đang tập trung thi công hệ thống cống dẫn dòng dài khoảng 500 m. Đây là hạng mục quan trọng để bảo đảm nhiệm vụ chống lũ năm 2011, đồng thời triển khai thi công đào hố móng đập dâng vai trái đợt 1 đạt 500 nghìn m3, hố móng vai phải và mở rộng lòng sông vai trái đạt 4,2 triệu m3. Các đơn vị đã đổ bê-tông cống dẫn dòng đợt 1 đạt khối lượng 40 nghìn m3, cơ bản hoàn thành các hạng mục để chuẩn bị cho ngày ngăn sông vào đầu năm 2012. Cùng với nhiệm vụ chống lũ, các hạng mục phụ trợ, đường thi công, hệ thống điện, nước đang từng bước hoàn thiện. Để chuẩn bị đủ điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục, các đơn vị thi công của Tập đoàn Sông Đà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hai máy nghiền sàng đá 350 nghìn m3/năm tại bờ trái và 50 nghìn m3/năm tại bờ phải, ba trạm trộn bê-tông thường với tổng công suất 360 m3/giờ, hoàn thành công tác thí nghiệm bê-tông đầm lăn đợt 1, chuẩn bị điều kiện đến quý IV-2012 đổ mẻ bê-tông đầu tiên. Hiện tại, hệ thống điện, nước đến các trạm trộn bê-tông, trạm nghiền và khu vực lán trại hai bờ đã được hoàn tất, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt và làm việc cho khoảng 3.000 cán bộ, công nhân viên.
Là một trong những đơn vị thi công chủ lực, có mặt đầu tiên tại công trường, các đơn vị của Tập đoàn Sông Đà tham gia thi công tại Thủy điện Lai Châu bước đầu phải vượt qua những khó khăn: khoảng cách địa lý khá xa cho nên việc vận chuyển nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực và các nhu yếu phẩm gặp khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ của vùng Tây Bắc; mặt bằng thi công chật hẹp, làm ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh tiến độ; việc thanh toán khối lượng thi công cho các đơn vị còn chậm, tính đến nay phía chủ đầu tư mới thanh toán khoảng 200 tỷ đồng, trong khi khối lượng hoàn thành đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nhà thầu đều khẳng định sẽ nỗ lực vượt mọi khó khăn, phát huy kinh nghiệm, năng lực con người, thiết bị hiện có để đạt và vượt mốc tiến độ.
Tại khu vực thi công cống dẫn dòng, các tốp thợ phân chia làm các công đoạn, phía trên vách núi chênh vênh những chiếc máy xúc vẫn cần mẫn cào bóc lớp đất bề mặt chuẩn bị cho công tác xây dựng đập dâng. Trưởng phòng thi công Công ty Sông Đà 705, kỹ sư Vũ Bá Lỹ, tâm sự: Công ty Sông Đà 7 phụ trách sản xuất cốt liệu phục vụ công tác thi công bê-tông, hiện đang tập trung thi công cống dẫn dòng, san nền trạm trộn và vận chuyển đá từ mỏ về trạm nghiền. Sau Tết, thời tiết vùng Tây Bắc đang thuận lợi, chúng tôi tranh thủ thời gian tổ chức thi công các hạng mục chính theo kế hoạch. Với năng lực và kinh nghiệm tích lũy từ nhiều công trình, chúng tôi có thể khẳng định khả năng làm chủ công nghệ thi công hiện đại, huy động lực lượng tổ chức thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng. Anh Tô Quang Tuyên, cán bộ kỹ thuật Công ty Sông Đà 7 cho biết thêm: Dù đã tham gia xây dựng hai thủy điện Sơn La và Tuyên Quang nhưng ở Lai Châu điều kiện thi công khó khăn hơn nhiều vì nền đất đứt gãy, hay bị sạt, thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, nhưng với quyết tâm cao và tổ chức thi công hợp lý, đến nay công ty đã hoàn thành một phần ba khối lượng công việc thi công cống dẫn dòng, bảo đảm mục tiêu chống lũ tiểu mãn năm nay.
Xuôi dòng từ Lai Châu xuống Sơn La, ngắm nhìn dòng nước cuộn đỏ phù sa và dòng sông trải dài, lòng hồ Thủy điện Sơn La trở nên mênh mông, chúng tôi nghĩ về những công trình thế kỷ đã và đang được xây dựng trên vùng đất Tây Bắc hùng vĩ và cảm nhận được những nỗ lực phi thường của những người làm thủy điện. Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ để làm nên những kỳ tích.
Theo Nhandan
Ý kiến ()