Thờ ơ với hiểm nguy
LSO-Trên địa bàn cả nước và ở Lạng Sơn đã từng có những vụ tai nạn giao thông xảy đến với những người đi, đứng, ngồi hóng mát trên đường sắt. Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, tại khu vực Ga Lạng Sơn và đoạn đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng từ khu vực ga đến cầu Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hằng ngày vẫn có nhiều người đi dạo, đi bộ tập thể dục dọc đường ray.
Người dân đi lại, tập thể dục trên đường ray trong phạm vi Ga Lạng Sơn |
Nơi vui chơi, thể dục
Sân Ga Lạng Sơn khoảng 17 giờ chiều một ngày cuối tháng 8/2017, rất đông người dân tụ tập hóng mát, vui chơi. Người chơi bóng, người đá cầu, người thì đi bộ tập thể dục; thậm chí một số bác cao tuổi còn đẩy xe đưa cháu đi dạo dọc đường ray. Đối với họ, khu vực này thực sự là điểm vui chơi, tập luyện thể dục lý tưởng. Bà Lý Thị Thể, người dân sống quanh khu ga cho biết: Ngày nào tôi cũng ra đây đi dạo, không gian ở đây mát mẻ, trong lành mà lại an toàn, không lo đụng xe (?!).
Mặc dù nhà ga phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, nhưng hầu hết những người có mặt ở sân ga đều tự cảm thấy yên tâm khi vui chơi, tập thể dục trong “vùng cấm” này. Bà Ngô Thanh Cảnh, người dân phường Vĩnh Trại cho biết: Cơ bản là mình nắm được giờ tàu chạy nên không phải lo, còn nếu tàu đến đột ngột thì mình tránh sang một bên hoặc dừng lại đợi tàu qua rồi đi tiếp.
Không chỉ riêng khu vực ga Lạng Sơn, tình trạng người dân đi dạo, luyện tập thể dục còn diễn ra trên đoạn đường sắt từ khu vực ga đến cầu Mai Pha vào sáng sớm và cuối giờ chiều hằng ngày. Ông Lê Văn Tưởng, phường Vĩnh Trại bộc bạch: Trên đường bộ thì xe cộ đông đúc, cứ phải nhìn trước ngó sau, còn đi dọc đường sắt thì chẳng phải tránh xe nào nên chúng tôi cứ đi thôi.
Chưa thể giải quyết dứt điểm
Theo ông Hà Quốc Văn, Trưởng Ga Lạng Sơn, tình trạng người dân trên địa bàn thành phố tận dụng đường sắt, khu vực nhà ga để làm nơi vui chơi, luyện tập thể dục đã diễn ra nhiều năm nay và nhộn nhịp nhất là vào mùa hè. Riêng tại Ga Lạng Sơn, cứ vào khoảng 5 – 7 giờ sáng và 17 giờ 30 đến 19 giờ chiều, rất đông bà con quanh khu vực lại đổ về sân ga để đi bộ, tập thể dục, thời điểm đông nhất lên tới 30 – 40 người.
Đoạn đường sắt trong phạm vi Ga Lạng Sơn có chiều dài khoảng 700 m. Hiện tại, ga tổ chức đón 4 chuyến tàu khách và 5 chuyến tàu hàng/ngày đêm; giờ tàu khách cố định nhưng giờ tàu hàng thì không cố định. Vì vậy, việc người dân đi bộ, vui chơi, tập thể dục trên đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bản thân họ và uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Thời gian qua, để đảm bảo an toàn giao thông, Ga Lạng Sơn đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền các cấp, các khối phố phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở bà con không đi lại, tập thể dục trên đường sắt. Đồng thời đơn vị cũng chủ động tuyên truyền, cảnh báo người dân qua loa phát thanh vào buổi sáng và buổi chiều hằng ngày. Tuy nhiên, tình trạng trên không chuyển biến là bao.
Trưởng Ga Lạng Sơn cho biết: Để giảm thiểu tình trạng người dân đi lại, tập thể dục trên đường sắt, tại khu vực tiếp giáp với khu dân cư, chúng tôi đã rào các lối tắt vào ga, nhưng chỉ hạn chế được phần nào, thậm chí có chỗ, cứ rào xong bà con lại phá để đi.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Luật Đường sắt quy định rõ: nghiêm cấm đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ. Nếu thực hiện những hành vi này, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mặc dù vậy, thực tế, lực lượng chức năng mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa tiến hành xử phạt.
Được biết, trên địa bàn tỉnh trong năm nay, 1 người dân ở xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng đi bộ dọc đường sắt đã bị tàu đâm phải dẫn tới tử vong. Từ thực trạng người dân đi lại, tập thể dục trên đường sắt ở thành phố Lạng Sơn hiện nay, rõ ràng cần tăng cường phối hợp hơn nữa giữa ngành đường sắt, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền để người dân hiểu và nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Cùng với đó, việc ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm cũng là giải pháp cần thiết để tăng tính răn đe, giáo dục.
BẢO VY
Ý kiến ()