Thổ Nhĩ Kỳ muốn thúc đẩy tiến trình gia nhập EU
Ngày 10/5, Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik kêu gọi EU mở ra những chương mới trong đàm phán để thúc đẩy tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ), ngày 10/5, ông Celik tin tưởng rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có đủ sự tự tin để đặt nền móng cho những giá trị dân chủ, dựa trên tinh thần tự cải thiện chính mình. Bộ trưởng Celik nêu rõ: “Chúng tôi muốn thúc đẩy để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên đầy đủ của EU. Không có việc cắt đứt quan hệ với EU”. Bên cạnh đó, quan chức này còn đề cập tới khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Brussels vào ngày 25/5 tới.
Tuyên bố trên của ông Celik cho thấy một sự thay đổi lập trường mạnh mẽ từ phía Ankara trong quan hệ với EU. Cách đây ít lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc EU áp dụng tiêu chuẩn kép để ngăn cản Ankara trở thành thành viên của liên minh này, đồng thời tuyên bố rằng, hiện Thổ Nhĩ Kỳ không còn quan tâm tới việc gia nhập EU – vốn bị chi phối bởi những tư tưởng theo đường lối chủ nghĩa dân túy cánh hữu.
Kể từ năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn xin gia nhập EU, mở đường cho một tiến trình đàm phán được khởi động vào năm 2005. Tuy nhiên, đến năm 2007, các vòng đàm phán đã bị đình trệ liên quan tới một số căng thẳng chưa được giải quyết.
Sau đó ít lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi cụ thể nhằm xoay chuyển tình thế sau khi đàm phán thành công với EU về 35 chương chính sách liên quan tới cải cách và việc thích nghi với các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Đây là một thủ tục cần thiết mà các nước mong muốn trở thành thành viên của EU phải đàm phán để gia nhập.
Tháng 3/2016, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận đẩy nhanh các cuộc đàm phán nước này gia nhập liên minh, cùng với việc hạn chế người nhập cư bất hợp pháp qua vùng biển Aegean, miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong khối Schengen và viện trợ hàng tỷ USD để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận dòng người nhập cư chủ yếu từ Syria và Iraq.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn gặp phải nhiều trắc trở sau khi Nghị viện châu Âu, vào cuối tháng 11/2016 đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc để kêu gọi đóng băng các vòng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chiến dịch trấn áp của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()