Thổ Nhĩ Kỳ: Đảng cầm quyền để ngỏ khả năng thỏa hiệp với phe đối lập về sửa đổi hiến pháp
Lãnh đạo đảng Phát triển và Công lý (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố đang chờ đợi cơ hội gặp gỡ với đại diện các nhóm đối lập chính tại nước này để thảo luận về những thay đổi trong hiến pháp.
Phát biểu trước phóng viên bên ngoài trụ sở của AKP tại thủ đô Ankara ngày 21/9, ông Yildirim – người đồng thời giữ vị trí Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, việc đạt được một thỏa hiệp giữa AKP và các đảng phái đối lập chính tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp theo như đề xuất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Hiện đảng AKP đang giữ 316 ghế tại Quốc hội và cần sự ủng hộ của phe đối lập để có thể thông qua một số sửa đổi về hiến pháp. Theo quy định, việc sửa đổi hiến pháp cần nhận được sự ủng hộ của 367 trong tổng số 550 ghế tại Quốc hội trước khi được ban hành thành luật.
Chiến dịch kéo dài nhiều năm của ông Erdogan nhằm tìm kiếm những thay đổi trong hiến pháp với nội dung trọng tâm của một chương mới được bổ sung là nhằm tạo nên một thể chế trao quyền nhiều hơn cho Tổng thống, đã vấp phải nhiều quan ngại từ phía các phe đối lập và những người theo chủ nghĩa dân tộc. Hiện đang xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi hiến pháp theo hướng mở rộng quyền lực cho Tổng thống sẽ khiến đất nước này bị đẩy vào một chế độ chuyên quyền dưới thời ông Erdogan – người luôn bảo vệ những thay đổi này và cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu được dẫn dắt bởi một chính quyền Tổng thống theo kiểu Mỹ. Thậm chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Cicek đã từng tuyên bố rằng, việc thay đổi hiến pháp sẽ không giúp giải quyết nhiều vấn đề mà quốc gia này đang phải đối mặt. Ông Cicek cho rằng sẽ là không đúng đắn nếu như dư luận gán trách nhiệm cho hiến pháp hiện hành của Thổ Nhĩ Kỳ trước mọi rắc rối chính trị chưa được giải quyết.
Một vấn đề khác được ông Yildirim đề cập tới trong lời phát biểu ngày 21/9 đó là sự tồn tại của “khoảng cách ngày càng nới rộng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan tới vai trò Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) tại Syria. Về phía Ankara xem YPG là một lực lượng khủng bố có mối liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong khi Washington lại coi YPG là một “đồng minh chính” trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại miền Bắc và Đông Syria.
Tháng trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động một chiến dịch chống IS và các binh sỹ người Kurd tại Syria. Tuy nhiên, chiến dịch này đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ Mỹ với cáo buộc rằng chính quyền Ankara đang tập trung vào cuộc chiến chống lại lực lượng người Kurd hơn là các tay súng IS./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()