Thịt bò vùng cao về siêu thị Hà Nội
Bò u Cao Bằng - niềm tự hào của người nông dân. Chỉ sau hơn ba tháng đi vào hoạt động, hệ thống chăn nuôi - tiêu thụ thịt bò u Cao Bằng đã góp phần tăng giá trị thịt bò Cao Bằng lên 50%, mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho người chăn nuôi bò nói riêng và bà con nông dân nói chung.Tháng 9-2011, Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò Cao Bằng chính thức ra mắt tại thị xã Cao Bằng, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân miền núi, đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng cao đến tận người tiêu dùng ở các đô thị lớn. Đây là dự án bắt đầu từ năm 2007, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp thực hiện, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò Cao Bằng được thành lập với sự tham dự của hơn 500 hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Mông, nằm rải rác ở các huyện nuôi...
Bò u Cao Bằng – niềm tự hào của người nông dân. |
Tháng 9-2011, Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò Cao Bằng chính thức ra mắt tại thị xã Cao Bằng, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân miền núi, đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng cao đến tận người tiêu dùng ở các đô thị lớn. Đây là dự án bắt đầu từ năm 2007, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp thực hiện, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò Cao Bằng được thành lập với sự tham dự của hơn 500 hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Mông, nằm rải rác ở các huyện nuôi nhiều bò nhất tỉnh Cao Bằng, nơi có độ cao khoảng 800 m so mực nước biển. Tại đây, con bò u Cao Bằng cân nặng trung bình 400 kg đến 500 kg, được nuôi nhốt tại chuồng sàn theo phương thức truyền thống, cho ăn cỏ tự nhiên kết hợp với cháo ngô, bỗng rượu ngô mà không sử dụng thức ăn công nghiệp. Với mục đích đưa thịt bò Cao Bằng đến các siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố lớn, thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp nhiều năm qua đã tích cực phát triển các vùng chăn nuôi bò, nay phối hợp với các doanh nghiệp lớn tại Cao Bằng và Hà Nội tiến hành giết mổ tại Cao Bằng sau đó đưa đi tiêu thụ. Tại Cao Bằng, Công ty xây dựng Lê Thanh đã tham gia thị trường với việc đầu tư xây dựng hệ thống lò mổ hiện đại, rộng hơn một ha, trị giá gần 10 tỷ đồng, công suất giết mổ 60 con bò và 150 con lợn/ngày, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Bò Mông hay còn gọi là bò u Cao Bằng vì những con đực nhìn giống như bò tót, có u ở lưng, có thể nặng tới 700 kg được cả nước biết đến qua các lễ hội chọi bò. Theo nghiên cứu cho thấy, phẩm chất thịt bò u mềm hơn so nhiều loại thịt bò khác như bò lai sind, bò brát-man… Với hệ thống quản lý chất lượng của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp từ hộ nuôi đến tận siêu thị, nông dân đã bán được bò giá cao hơn, còn người tiêu dùng có thể thưởng thức thịt bò Việt Nam chất lượng cao, sạch, dễ dàng kiểm tra độ tuổi, nguồn gốc… sản phẩm thịt.
Ba tháng trước đây, một con bò Mông nặng khoảng 500 kg giá bán tại Cao Bằng chừng 23 triệu đồng, sau khi mổ cho khoảng 400 kg thịt, bởi thế giá thịt bò loại một tại thị
trường Cao Bằng chỉ khoảng 100 nghìn đồng/kg, rẻ hơn nhiều so giá bán tại Hà Nội. Thế nhưng, hiện nay, theo anh Triệu Tài Vinh, một người nhiều năm làm nghề buôn bán trâu, bò tại đỉnh đèo Mã Phục (Cao Bằng) cho biết: “Ba tháng trở lại đây, thịt bò bán cho thị trường Hà Nội được giá cho nên mua vào đắt thêm một nửa rồi, sắp tới có khi còn tăng nữa”. Trong khi đó, thịt lợn đen Cao Bằng, loại lợn ỉ thịt thơm, bì dày, mỡ ròn do không nuôi bằng thức ăn công nghiệp, thì trong năm 2011 vừa qua giá hầu như không thay đổi, vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 100 nghìn đồng/kg và chỉ tăng vào dịp Tết Nguyên đán do chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()