Thịt an toàn - hy vọng của người tiêu dùng
LSO-Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt thịt gia súc gia cầm an toàn là rất khó khăn. Vì vậy, để có được sản phẩm thịt an toàn, vấn đề nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh mang ý nghĩa quyết định.
Quầy bán gia cầm mổ sẵn tại chợ Giếng Vuông |
THỰC TRẠNG TRÊN THỊ TRƯỜNG LẠNG SƠN
Tuần trước, chị Nguyễn Thị Tâm ở khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn mua chân giò tại chợ Giếng Vuông, khi mang về chị chế biến rất cẩn thận như rửa sạch, luộc qua, sào một lần rồi mới cho vào ninh. Song khi bày ra bàn thì vẫn còn một mùi hôi rất khó chịu. Thế là dù tiếc tiền, tiếc công song buộc phải bỏ đi. Ông Nguyễn Văn Bình – người đã có “thâm niên” mấy chục năm làm nghề thịt lợn sang xem và cho biết: đây là lợn mà người ta thường lấy xương trâu, xương bò, hoặc nước thừa của các quán phở để nấu cho ăn. Cái mùi “tổng hợp” đó là kết quả của việc “tận dụng” sản phẩm thừa trong chăn nuôi. Hiện nay, ngoài các loại thuốc tăng trọng lợn, gà, thậm chí cả chó… không rõ nguồn gốc, dân ta thường tận dụng sản phẩm thừa của lò mổ, quán ăn để chăn nuôi. Tồn dư của các loại thuốc, thức ăn này sẽ gây ra nhiều phiền phức đối với người tiêu dùng.
Để tránh mua phải sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng khó có thể phân biệt bằng mắt thường mà chủ yếu là mua tại các sạp hàng quen thuộc. Ở đây, uy tín, sự quen biết đã có tác dụng “bảo hành” sự an toàn của sản phẩm. Gần đây tại các chợ như Giếng Vuông, Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn), hay các chợ Trung tâm thị trấn, chợ “cóc” ở thị tứ… thường xuất hiện các quầy “thịt lợn làng”, quầy “gà làng, gà đồi, gà ta” mà người mua hầu như đã quen với chủ quầy, ngoài mua trực tiếp, họ còn mua qua điện thoại. Nhiều người cho rằng, dù không biết rõ nguồn gốc xuất xứ, song độ tin cậy sẽ cao hơn.
LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI KINH DOANH
Chúng ta chưa có các trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn, và vì vậy cũng chưa có hệ thống cung ứng sản phẩm theo “chuỗi” (quy trình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ và đưa sản phẩm thịt sạch đến người tiêu dùng). Vì vậy, ý thức và trách nhiệm của người chế biến, kinh doanh mang ý nghĩa quyết định. Trong câu chuyện của mình, ông Bình nói rằng, bao giờ ông cũng nhập lợn từ các gia đình trong một thôn, những gia đình này chăn nuôi bằng ngô, cám gạo hoặc thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn, nên mỗi ngày tiêu thụ hết 1 con (khoảng 65 kg thịt) chủ yếu cho bà con khối phố, lãi vài trăm ngàn. Chị Nguyễn Thanh Tâm, chủ quầy bán gà đã mổ sẵn tại chợ Giếng Vuông cho biết: để đảm bảo uy tín với khách hàng, chị không bao giờ nhập gà không rõ nguồn gốc, đặc biệt là gà nhập lậu từ Trung Quốc, mà nhập gà từ trại chăn nuôi của xã Đồng Tiến (Hữu Lũng). Còn chị Hoàng Thị Hải ở chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng) mua gà làng nhốt vào lồng, khách đến chọn và đợi thịt mang về. Chị cho biết, giá có hơi cao một chút nhưng gà ngon lại an toàn, nên khá đắt hàng.
Tuy vậy, cũng có nhiều quầy thịt, xe đẩy thịt lợn, gà vịt mổ sẵn bán rong mà không rõ nguồn gốc. Người dân vốn thích sự tiện lợi, dừng xe ghé mua dăm ba lạng mà không biết thịt lợn này từ đâu đến, có an toàn hay không? Gần đây lại xuất hiện tin về thịt bò, thịt trâu bị bơm nước, khiến người tiêu dùng lo ngại.
SỰ VÀO CUỘC CỦA CƠ QUAN CHỨC NĂNG
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp ngày 6/2/2015, ngành Nông nghiệp& PTNT đề ra công việc cần làm trước mắt là kiểm soát thú y, kiểm soát ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát vệ sinh các cơ sở giết mổ. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, trong đó có thịt gia súc, gia cầm để mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Trong đợt tết nguyên đán và lễ hội xuân 2015, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 21 cơ sở giết mổ gia súc, tất cả 21 cơ sở này đều ở loại C; kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh thịt, lấy 10 mẫu thịt lợn tươi gửi Trung tâm chất lượng vùng I, phân tích 2 chỉ tiêu vi sinh, 2 chỉ tiêu hóa học; kết quả có 2 mẫu dương tính với Samonella (người ăn thịt nhiễm khuẩn này thường mắc bệnh nhiễm khuẩn Salmonella gây sốt, nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy…).
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP Lạng Sơn cho biết: trong thời gian tới, Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra, loại trừ nguy cơ thịt “bẩn”, thịt không rõ nguồn gốc. Về phần mình, người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu lựa chọn thịt an toàn để giảm thiểu nguy hại.
MINH HỒNG
Ý kiến ()