Thiếu vốn, vướng mặt bằng
LSO-Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có gần 40 dự án giao thông đang được triển khai, gồm: các tuyến đường ra biên giới, đường đến khu vực các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều trong tình trạng chậm tiến độ.
Thi công đường giao thông khu phi thuế quan giai đoạn 1 tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng |
Khó từ giải phóng mặt bằng đến nguồn vốn
Năm 2017, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật được giao thực hiện 16 dự án giao thông bao gồm: 1 dự án khởi công mới, 14 dự án chuyển tiếp và 1 dự án thanh toán vốn. Tính đến cuối tháng 6/2017, 16 dự án được ghi kế hoạch vốn là 241 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số 15 dự án khởi công mới và chuyển tiếp do ban này làm chủ đầu tư có tới 2 dự án dừng thi công và 5 công trình giảm quy mô. Lý do phải dừng, giảm quy mô đầu tư là bởi việc tìm nguồn vốn bố trí cho triển khai thi công và giải phóng mặt bằng các công trình này gặp nhiều khó khăn.
Đối với các dự án không nằm trong diện dừng, giảm quy mô ngoài lý do nguồn vốn bố trí cho các dự án hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều vướng mắc khiến dự án chậm tiến độ. Điển hình là dự án đường Hữu Nghị – Bảo Lâm, đường giao thông khu phi thuế quan giai đoạn 1 huyện Văn Lãng. Hai dự án này có tổng chiều dài tuyến hơn 10 km, trong đó đường Hữu Nghị – Bảo Lâm dài hơn 9 km được thi công từ năm 2013, nhưng đến nay hạng mục mở nền thông tuyến vẫn chưa thực hiện xong, hiện còn gần 2 km chưa giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, 2 dự án do huyện Chi Lăng làm chủ đầu tư là dự án đường giao thông Khu Công nghiệp Đồng Bành và dự án đường Văn An – Tân Liên cũng trong tình trạng thiếu vốn. Điều này khiến cho hiệu quả đầu tư của một số dự án giao thông không cao, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Không chỉ 16 dự án do Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật làm chủ đầu tư và 2 dự án của huyện Chi Lăng, mà 12 dự án do Ban Quản lý Dự án (Sở Giao thông – Vận tải) làm chủ đầu tư; 4 dự án của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; 1 dự án của huyện Đình Lập cũng chậm tiến độ vì thiếu vốn và vướng mặt bằng.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Lăng Văn Thạu, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật tỉnh cho biết: Với nguồn vốn được bố trí cho từng dự án, bao giờ ban cũng ưu tiên vốn cho công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2017, với nguồn vốn được giao hơn 241 tỷ đồng để thực hiện các dự án giao thông, ban dự phòng khoảng 1/3 để thực hiện chi trả cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngoài yếu tố nguồn vốn thì sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện, phối hợp với các ngành chức năng trong việc tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cũng quyết định đến tiến độ các dự án.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do công tác giải phóng mặt bằng, yếu tố năng lực của nhà thầu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ các dự án giao thông. Vấn đề lựa chọn được những nhà thầu có tiềm lực thực sự và tâm huyết luôn là một thách thức đối với các chủ đầu tư. Thực tế có những đơn vị có năng lực thực sự nhưng do tham gia quá nhiều dự án, vừa dự án giao thông vừa dự án dân dụng khiến cho năng lực thi công của nhà thầu bị phân tán dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.
Đối với vấn đề huy động vốn cho các công trình giao thông, Lạng Sơn là tỉnh còn nghèo, việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa để chuyển đổi hoặc thực hiện các dự án đường tỉnh, đường huyện theo hình thức đầu tư đối tác công – tư gặp nhiều khó khăn. Trong ngắn hạn và trung hạn, để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông tỉnh vẫn phải dựa vào nguồn thu từ ngân sách trên địa bàn và nguồn phân bổ từ trung ương. Do vậy, tỉnh cần ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục huy động bổ sung vốn cho quỹ đầu tư phát triển nhằm bảo lãnh hỗ trợ vốn vay cho các dự án hạ tầng giao thông có tác động trực tiếp tới kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()