Thiếu vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam: Cần địa phương quyết liệt chung tay
Công trường dự án Mai Sơn-QL45. |
Khẩn trương tháo gỡ
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), có đến 6/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam (Mai Sơn-QL45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) đang trong tình trạng tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp đang khai thác nhỏ hơn nhu cầu sử dụng của dự án. Đơn cử như Dự án Mai Sơn-QL45 hiện còn thiếu 1 triệu m3 đất đắp.
Nguyên nhân là bởi mỏ Thống Nhất (trữ lượng 4,8 triệu m3) đã hết hạn giấy phép khai thác, việc gia hạn cấp phép khai thác khó khăn do vướng mắc về pháp lý. Mỏ Sòng Vặn (trữ lượng 5 triệu m3) hiện đã đủ thủ tục pháp lý để khai thác, tuy nhiên, chưa triển khai công tác giải phóng mặt bằng mỏ, thi công xây dựng đường tiếp cận vào mỏ nên sẽ phải mất thêm một số thời gian mới tiến hành khai thác được.
Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, TEDI đã tính toán đủ nguồn vật liệu đất đắp thi công ở tất cả các dự án. Tuy nhiên, đối với các mỏ đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa khai thác, việc cấp phép khai thác thế nào, bao giờ cấp phép là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn không thể nắm được.
Tại dự án cao tốc Mai Sơn-QL45, TEDI đã khảo sát khu vực xung quanh dự án, có tới 16 mỏ đất có thể cung cấp cho dự án và đã được chính quyền hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có văn bản thỏa thuận, thống nhất. Trữ lượng khai thác của 16 mỏ này khoảng 15 triệu m3, trong khi nhu cầu đất đắp của dự án cao tốc Mai Sơn-QL45 chỉ khoảng 7 triệu m3. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vật liệu, giá đất đắp bị “đội cao” vẫn đang xảy ra tại dự án này. Thậm chí, hai mỏ đất giáp nhau, giá chênh lệch nhau rất lớn.
Theo TEDI, tình trạng này là do từ khi Chính phủ giao chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép mỏ vật liệu cho tư nhân khai thác, mỗi chủ mỏ bán với một mức giá khác nhau khiến nhiều địa phương không thể kiểm soát được việc cung ứng cho các dự án trong các trường hợp đột biến. Ví dụ, cao tốc Bắc-Nam có quy mô lớn hàng trăm lần các dự án đang triển khai thì khả năng cung ứng nguồn vật liệu của địa phương lập tức bị động, dẫn tới thông báo giá không còn phù hợp với thực tế. Khi có tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, các chủ mỏ đất tư nhân tăng giá lên, chính quyền địa phương không quản lý được, dẫn đến các nhà thầu làm cao tốc Bắc-Nam không lấy được giá đất theo giá dự toán trong hồ sơ mời thầu.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Ban QLDA của Bộ GTVT cần phải trao đổi, báo cáo chi tiết bằng văn bản lên UBND tỉnh Thanh Hóa về từng gói thầu của dự án, thiếu nguồn vật liệu nào, giá cao bao nhiêu so với giá dự toán… để tỉnh làm việc cùng các sở, ngành liên quan xem xét.
“Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-QL45 là dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xuống khởi công dự án nên chúng tôi rất coi trọng dự án này. Hiện, Thanh Hóa đang bổ sung vào quy hoạch nhiều mỏ vật liệu nên chắc chắn không xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu. Muộn nhất trong tuần sau, chúng tôi sẽ làm việc với Ban QLDA Thăng Long để giải quyết vấn đề vật liệu như báo chí nêu”, ông Mai Xuân Liêm cho biết.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, ngay sau khi Ban báo cáo lên Bộ GTVT về tình hình thiếu vật liệu, lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp xuống giải quyết, đến nay, vật liệu đất đắp cho dự án cơ bản đủ để thi công trong vài tháng tới.
“Với các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được do vướng mặt bằng hoặc chưa được bổ sung quy hoạch, Ban QLDA Thăng Long sẽ tiếp tục báo cáo lên Bộ GTVT làm việc với địa phương để tháo gỡ, bảo đảm không để dự án chậm tiến độ do thiếu vật liệu”, ông Dương Viết Roãn cho hay.
Không để vấn đề thiếu vật liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. |
Rà soát mỏ vật liệu trước khi khởi công dự án QL45-Nghi Sơn
Đối với Dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn, một trong 2 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi đầu tư từ hình thức PPP, sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và dự kiến khởi công trong tháng 6/2021, Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hiện Ban đã có báo cáo tổng thể về vấn đề vật liệu lên Bộ GTVT.
Về đất đắp, Ban QLDA 2 đã khảo sát 19 mỏ đất. Trong đó, một mỏ đất tỉ lệ đá rất nhiều, tỉ lệ đất ít và 18 mỏ còn lại đạt tiêu chuẩn đắp nền đường K95, K98 với tổng trữ lượng khoảng 28.677.456 m3, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu cho dự án.
Về vật liệu đá, trong 14 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 14.385.821 m3 mà Ban QLDA 2 đã khảo sát, có 12 mỏ đã được cấp phép, một mỏ hết thời hạn khai thác và một mỏ không hoạt động.
Về vật liệu cát, đã khảo sát 14 mỏ và bãi tập kết cát có tổng trữ lượng 4.654.232 m3 với khả năng cung cấp 5.350 m3/ngày. Trong đó, 12 mỏ đã được cấp phép và 2 mỏ chưa khai thác nhưng nằm trong quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng của tỉnh Thanh Hóa.
Ban QLDA 2 cho biết, hiện có một số vị trí các mỏ đang khai thác nằm xa dự án, ảnh hưởng cự ly điều phối vật liệu, có thể làm tăng chi phí. Trong khi đó, có một số mỏ nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép nằm gần dự án hơn, thuận tiện cho việc điều phối vật liệu và tiết kiệm chi phí. Do đó, Ban QLDA 2 đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét sớm cấp phép các mỏ đã nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các mỏ đất đắp.
Để khẩn trương hoàn thiện các công tác cuối cùng trước khi khởi công dự án QL45-Nghi Sơn, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA 2 phối hợp với Tư vấn khảo sát-thiết kế tiến hành điều tra, khảo sát, rà soát lại toàn bộ các mỏ vật liệu phù hợp với nhu cầu của dự án trong khu vực.
Đồng thời, làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương để xác định cụ thể thông tin, tình trạng khai thác của từng mỏ, các điều kiện, thủ tục cần thực hiện để khai thác được các mỏ chưa được cấp phép, chưa được gia hạn cấp phép hoặc đã được cấp phép nhưng cần hoàn tất các thủ tục, công việc liên quan (như GPMB, làm đường tiếp cận,…) để có thể chính thức khai thác trong quý II, quý III (hoặc quý IV/2021).
Ban QLDA 2 cần chủ động đề xuất, xác nhận với địa phương việc cấp, gia hạn giấy phép khai thác đáp ứng kế hoạch tiến độ làm cơ sở cập nhật cho dự án.
Ban QLDA 2, Tư vấn có trách nhiệm rà soát kỹ các mỏ vật liệu phù hợp với điều kiện của dự án để đề xuất phương án thực hiện tối ưu bảo đảm hiệu quả kinh tế cho dự án, chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu, giá vật liệu do mình điều tra, khảo sát và tính hợp lý, kinh tế, hiệu quả của phương án xây dựng.
Ý kiến ()