Thiếu nguồn thực phẩm do dịch tả lợn châu Phi: Chuyển hướng chăn nuôi
(LSO) – Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nguồn cung thực phẩm từ thịt lợn trở nên thiếu hụt, việc tái đàn lợn chưa thể thực hiện. Ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích, vận động người chăn nuôi chuyển hướng, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ và gia cầm để đảm bảo nguồn cung thực phẩm thay thế thịt lợn.
Tính đến ngày 17/6/2019, tổng đàn lợn của huyện Lộc Bình chỉ còn khoảng 6.000 con, giảm trên 33.000 con so với thời điểm đầu năm 2019. Nguyên nhân đàn lợn giảm mạnh là do bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số xã trước đây phát triển chăn nuôi lợn với số lượng lớn như: Tú Đoạn, Khuất Xá, Xuân Mãn, Đồng Bục… đến thời điểm này gần như “trắng” đàn. Đặc biệt như xã Tú Đoạn, đầu năm có tổng đàn lợn có gần 6.000 con, thì này chỉ còn vài trăm con.
Người chăn nuôi xã Đình Lập, huyện Đình Lập chuyển hướng sang chăn nuôi bò. Ảnh: ĐÌnh Quyết
Không chỉ huyện Lộc Bình, tổng đàn lợn của toàn tỉnh cũng giảm. Theo số liệu báo cáo mới nhất của Chi cục Thú y tỉnh, đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 130 nghìn con bằng 36,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thực phẩm từ thịt lợn của Lạng Sơn đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân, phần còn lại nhập từ các tỉnh, thành khác. Tính đến 17/6/2019, cả nước có 59 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước bối cảnh đó, việc nhập lợn từ các địa phương khác, hay tái đàn vào thời điểm này là chưa thể. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, ngành nông nghiệp đang vận động, khuyến khích bà con, các hộ chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi một số loại gia súc ăn cỏ (trâu, bò) và gia cầm (gà, vịt).
Người dân xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tập trung tăng đàn gia cầm. Ảnh: TRÍ DŨNG
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ giữa tháng 5/2019 đến nay, các huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con chuyển hướng chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học. Chính vì vậy mà tổng đàn gia cầm hiện tại đã tăng 11% so với thời điểm tháng 5/2019 (hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh có trên 4,3 triệu con). Ngoài gia tăng đàn gia cầm, tại một số huyện, người chăn nuôi đã chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò. Do vậy, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh cũng tăng gần 5% so với thời điểm tháng 5/2019 (tổng đàn trâu, bò là 123,8 nghìn con).
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thời điểm này khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang ở thời kỳ cao điểm của dịch, người chăn nuôi không thể thực hiện tái đàn lợn. Do đó, việc chuyển hướng chăn nuôi sang các loại gia súc khác và gia cầm là đúng hướng. Tuy vậy, người chăn nuôi cũng cần chú trọng chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học. Đặc biệt lưu ý việc mua con giống phải đảm bảo chất lượng để việc tăng đàn không bị ảnh hưởng.
Được biết, mục tiêu từ nay đến cuối năm 2019 là cơ cấu chăn nuôi đàn gia cầm toàn tỉnh sẽ luôn đảm bảo tăng từ 10 – 15%; trâu, bò tăng khoảng 5 – 7% so với thời điểm đầu năm 2019 để có thể bù đắp thiếu hụt nguồn thực phẩm thịt lợn.
Tính đến ngày 17/6/2019, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 20.492 hộ ở 1.548 thôn của 221 xã trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 122.430 con với tổng trọng lượng 6.713.298 kg. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()