Thiếu khả thi trong việc bồi hoàn học bổng
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa ban hành Thông tư về "Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài", trong đó quy định trách nhiệm của lưu học sinh được cấp học bổng, nếu không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp thì phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành. Quy định nêu trên đã khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn vì không biết việc bồi hoàn theo quy định hiện hành sẽ thực hiện ra sao, theo cơ chế nào?
Ðào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện, có nhiều chương trình, đề án đang được triển khai cấp học bổng cho người Việt Nam học tập ở nước ngoài như: Ðề án Ðào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) giai đoạn 2010 – 2020; Ðề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020… Theo thống kê của Bộ GD và ÐT, chỉ tính riêng đội ngũ giảng viên ÐH, CÐ, năm học 2012-2013 có 1.262 người được đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, không ít người được đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước nhưng không thực hiện đúng cam kết trước khi đi học. Một số địa phương như TP Ðà Nẵng từng “lùm xùm” về việc yêu cầu bồi hoàn. Bồi hoàn khi người học không thực hiện đúng cam kết là hợp lý nhưng quy định cần cụ thể, tránh chung chung.
Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài của Bộ GD và ÐT là quy định dùng chung cho quản lý lưu học sinh, nhưng quy định bồi hoàn như trên giống như “sao chép” lại của các đề án đã triển khai trước đây. Vậy, trường hợp một người được bộ, ngành, địa phương cử đi học tập ở nước ngoài nhưng khi học xong lại chuyển sang bộ, ngành, địa phương khác, liệu có phải bồi hoàn và bồi hoàn ra sao? Khi nhiều địa phương, đơn vị thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thì những người đi học bằng nguồn ngân sách nhà nước có được lựa chọn đến các nơi “trải thảm đỏ” làm việc hay không? Mặt khác, việc thực hiện bồi hoàn sẽ dựa trên cơ chế nào và cơ quan nào thực hiện việc này?
Thực tế đang diễn ra ngay trong ngành GD và ÐT có không ít trường ÐH, CÐ để bảo đảm đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo đã có cơ chế khuyến khích thu hút người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ về giảng dạy thì liệu các giảng viên này có phải chịu bồi hoàn nếu đã từng đi học ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước? Trong khi đó, dù giảng dạy ở trường ÐH, CÐ nào thì kiến thức, trí tuệ của họ cũng là cống hiến cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và vẫn thuộc ngành GD và ÐT quản lý.
Quy chế mới có những điều khoản ràng buộc còn mang tính chung chung của Bộ GD và ÐT khó có tính khả thi và có thể gây nên nhiều rắc rối khi thông tư nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 28-5 tới.
Theo nhandan

Ý kiến ()