Thiếu I ốt - vấn đề của phụ nữ
LSO-Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi đã thanh toán bệnh bướu cổ từ năm 2005. Tuy nhiên chúng ta không thể lơ là trước thực trạng phần lớn phụ nữ tỉnh ta không đạt ngưỡng an toàn về I ốt.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xét nghiệm và đọc kết quả hàm lượng I ốt trong muối ăn đang bán trên thị trường |
Những con số đáng suy nghĩ
Năm 2016, song song với việc duy trì tần suất của công tác truyền thông phòng chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu I ốt, cách sử dụng và bảo quản muối I ốt, tập trung vào xã, thôn bản có nguy cơ cao về thiếu I ốt; ngành y tế đã lấy 1.100 mẫu muối thị trường tại 11 huyện, thành phố để giám sát. Kết quả 100% mẫu đủ tiêu chuẩn phòng bệnh.
Tuy nhiên, khi giám sát muối ở các hộ gia đình tại 44 xã với 660 mẫu, thì chỉ có 563 mẫu (85,3%) đạt tiêu chuẩn định tính để phòng bệnh (giảm 12% so với đợt giám sát năm 2013) và cũng chỉ có 311 mẫu (47,1%) đạt tiêu chuẩn định lượng phòng bệnh (giảm 6,6% so với đợt giám sát năm 2013). Tiến hành giám sát muối ăn theo một kênh khác, kênh do học sinh mang đến; kết quả, với 1.970 mẫu, có 1.804 mẫu đạt tiêu chuẩn phòng bệnh (tỷ lệ 91,6%).
Để xác định định lượng I ốt niệu trong mẫu nước tiểu của phụ nữ từ 18-49 tuổi và học sinh từ 8-10 tuổi, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã lấy 220 mẫu nước tiểu của phụ nữ 18-49 tuổi, kết quả chỉ có 62 mẫu I ốt niệu đạt tiêu chuẩn (tỷ lệ 28,18%) và còn tới 158 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Trong số 150 mẫu nước tiểu của học sinh nữ từ 8-10 tuổi đi xét nghiệm, kết quả có tới 120 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Điều đó có nghĩa là có tới 71,82% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 80% trẻ em gái trong đối tượng lẫy mẫu không đạt ngưỡng an toàn về I ốt niệu.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Thậm chí, trung vị I ốt niệu của phụ nữ trong đối tượng lấy mẫu chỉ ở mức 6,3mcg/dl, ở trẻ em gái trong đối tượng lấy mẫu chỉ ở mức 5,25mcg/dl, chỉ bằng hơn 1 nửa ngưỡng an toàn (mức trung bình là bằng hoặc cao hơn 10 mcg/dl). Tổ chức khám bướu cổ cho 2.256 trẻ em gái từ 8-10 tuổi, có 108 cháu mắc bướu cổ, tỷ lệ 4,8%.
Sự cấp thiết phải hành động
Kết quả giám sát mẫu muối bán trên thị trường và mẫu muối giám sát tại hộ gia đình dường như có mẫu thuẫn (100% muối bán trên thị trường đạt tiêu chuẩn phòng bệnh, nhưng chỉ có 47,1% muối trong hộ gia đình đạt tiêu chuẩn phòng bệnh). Tỷ lệ người dùng muối I ốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh cao, song tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có định lượng I ốt niệu bình thường lại thấp. Đây cũng là vấn đề đáng suy ngẫm.
Trong những năm qua, với những chính sách trợ cước, trợ giá và bình ổn giá của nhà nước, việc dùng muối I ốt và sản phẩm có I ốt đã mang tính phổ cập ở Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung. Tuy vậy, trong cơ chế thị trường hiện nay, muối có chứa đủ hàm lượng I ốt đến tay người tiêu dùng vẫn là một vấn đề. Trò chuyện với một số tư thương tại một số chợ ở khu vực thành phố Lạng Sơn, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến về vấn đề này. Một chị bán hàng ở Chợ Chi Lăng, phường Chi Lăng cho biết: Mặt hàng muối I ốt rất ế, người dân thành phố hiện nay có thói quen dùng bột canh I ốt và các chế phẩm có I ốt như nước mắm, bột nêm…Tuy nhiên, người dân “trong làng” thì lại ít đến các hiệu tạp hóa lớn để mua muối, hoặc bột canh I ốt, phần lớn trong số họ “tiện tay” mua muối hoặc bột canh tại các sạp di động vào các phiên chợ, giá rẻ lại thuận tiện. Loại muối và bột canh trôi nổi này hầu hết do tư thương mua của các nhà buôn từ dưới xuôi mang lên. Vẫn túi muối I ốt 1 kg, 0,5 kg… song không có nhãn mác, hoặc có nhãn mác cũng không ghi đầy đủ tên doanh nghiệp, và hướng dẫn sử dụng. Khi được hỏi chuyện “muối, mắm”, một bà ở xã Vân Thủy (huyện Chi Lăng) nói rằng: Ôi dào, muối nào chẳng được miễn là nó…mặn.
Cần kiểm soát chất lượng và lập lại trật tự thị trường muối I ốt, các sản phẩm có chứa I ốt, bởi còn muối giá rẻ trôi nổi tại các chợ, nhất là chợ xã, thì còn người tiêu dùng mua phải muối I ốt không đủ hàm lượng. Mặt khác, ngành y tế, thông qua đội ngũ y tế thôn bản cần phổ biến cách sử dụng và bảo quản muối I ốt tại gia đình, tránh để tình trạng do thiếu kiến thức mà làm mất hàm lượng I ốt trong muối ăn.
Thiếu I ốt, trẻ em gái sẽ bị bướu cổ; thiếu I ốt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ có thai đứng trước nguy cơ xảy thai, thai chết lưu; nếu sinh con, thì trí não trẻ kém phát triển gây nên bệnh đần độn. Xem ra chuyện hạt muối có liên quan đến nòi giống, đến thế hệ tương lai của chúng ta, như vậy, ngành y tế, ngành công thương không thể xem thường mà sự cần thiết phải “khởi động” lại chiến dịch cung cấp loại vi lượng quý này cho toàn dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Trước mắt cần kiểm soát nghiêm ngặt thị trường muối.
MINH HỒNG
Ý kiến ()