Thiếu hụt chip đẩy ngành sản xuất ôtô rơi vào cảnh "ăn không ngồi rồi"
Do thiếu hụt chip, Renault có thể phải giảm ít nhất 100.000 chiếc xe lắp mới trong năm nay; trong khi hàng nghìn lao động của Volkswagen và Mercedes bị giảm giờ làm hoặc thất nghiệp tạm thời.
Dây chuyền sản xuất xe ôtô của Tập đoàn Toyota, Nhật Bản tại nhà máy Tsutsumi ở quận Aichi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ban đầu giới chuyên gia đánh giá việc thiếu hụt chất bán dẫn chỉ là tạm thời, song tình hình hiện nay dường như đang có nguy cơ kéo dài hết cả năm 2021.
Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là “đòn giáng mạnh” vào ngành sản xuất ôtô, nhất là khi các hãng xe có kế hoạch tăng cường sản xuất trong năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu được cho là ngày càng tăng khi đại dịch COVID-19 giảm dần cũng như bù đắp thiệt hại do gần như phải “đắp chiếu” vào năm 2020.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt chip đang phủ bóng đen lên hy vọng của các hãng xe.
Trên thực tế, thiếu hụt chip đã đẩy các nhà sản xuất ôtô rơi vào cảnh “nhàn rỗi” bất đắc dĩ trong ngắn hạn.
Một loạt “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất ôtô trên thế giới, trong đó có Tyota, Volkswagen, Ford, Peugeot, Fiat, Jeep, Honda, Jaguar Land Rover và ngay cả công ty mới khởi nghiệp Nio của Trung Quốc đã phải ngừng sản xuất trong nhiều tháng.
Có thể nói, trong những năm gần đây, các hãng xe trên thế giới đang liên tiếp “gặp vận đen.” Nhằm cắt giảm chi phí, các hãng xe đã phải giảm kho dự trữ các bộ phận. Do đó, thiếu chip là “cú bồi” khiến các nhà máy sản xuất nhanh chóng rơi vào tình trạng “đắp chiếu.”
Phát biểu với cổ đông hồi tuần trước, Giám đốc điều hành Renault, ông Luca de Meo, khẳng định việc thiếu hụt chất bán dẫn có thể khiến hãng xe này giảm ít nhất 100.000 chiếc xe lắp mới trong năm nay.
Tại Đức, hàng nghìn lao động đã bị giảm giờ làm hoặc thất nghiệp tạm thời do các nhà máy của Volkswagen và Mercedes buộc phải ngừng hoạt động.
Tương tự, hoạt động sản xuất của Fiat tại nhà máy sản xuất ở Betim (Brazil) cũng đã bị đình trệ trong tháng này. Nhà máy Stellantis ở Rennes-La Janais ở Pháp, nơi có 2.000 nhân công, cũng gần như rơi vào cảnh “ăn không ngồi rồi.”
Hiện nay bộ vi xử lý là một thiết bị thiết yếu trong các dòng phương tiện, được sử dụng trong các bộ phận điều khiển xe, trong đó có động cơ, hệ thống phanh tự động, túi khí, hệ thống đỗ xe tự động và thông tin giải trí.
Giới phân tích cho biết nhu cầu thiết bị điện tử ngày một gia tăng trong thời kỳ đại dịch là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu.
“Cái khó, ló cái khôn” nên các nhà sản xuất ôtô đang nỗ lực giải quyết tình hình, tránh việc đóng cửa hoàn toàn dây chuyền sản xuất.
Như tuyên bố của GM (Mỹ), do thiếu hụt chip nên hãng này đang phải sản xuất nhiều chiếc xe không có một số bộ phận nhất định. Khi lượng chip được cung cấp đủ, GM sẽ hoàn thành việc lắp ráp những chiếc xe trên.
Trong khi đó, Stellantis cũng đã tiếp tục sản xuất dòng xe Peugeot 308 mới, với công suất bằng 50% so với bình thường sau ba tuần tạm dừng khi quay trở lại dùng bảng điều khiển có đồng hồ tốc độ dạng analog.
Hầu hết các nhà sản xuất ôtô đều hy vọng sẽ bù đắp được sản lượng thiếu hụt trong sáu tháng cuối năm 2021. Tuy vậy, không phải nhà sản xuất nào cũng có thể tỏ ra lạc quan như vậy.
Giám đốc điều hành của Bosch – nhà cung cấp chính các linh kiện cho các nhà sản xuất ôtô, ông Volkmar Denner, cho rằng “tình hình sẽ không được cải thiện trong ngắn hạn.”
Nhà sản xuất linh kiện ôtô Faurecia của Pháp cũng không mong đợi sẽ có sự cải thiện vào trước cuối năm nay, khi ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng đang tăng tốc chuẩn bị cho thời kỳ sản xuất đỉnh cao.
Cùng chung quan điểm trên, ông Iris Pang, một chuyên gia về nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) tại ING, cho rằng tình trạng thiếu chip có nguy cơ kéo dài sang năm 2022, hoặc thậm chí là năm 2023. Hạn hán ở Đài Loan đã khiến nhà chức trách yêu cầu các công ty phải giảm sử dụng nước. Đây là điều khiến các nhà sản xuất tại vùng lãnh thổ này lo lắng khi số đơn đặt hàng chất bán dẫn đang ngày một nhiều./.
Ý kiến ()