Thiếu hoặc sai thông tin về tiêm vắc xin trên PC-Covid, người dân cần phải làm gì?
Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) đã thống nhất bổ sung chức năng cho phép người dân nhập thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử.
Hiện nay, nhiều người dân mặc dù đã được tiêm nhưng vẫn còn thiếu, không có hoặc sai thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, làm ảnh hưởng đến việc xác định thông tin về tiêm chủng cho công dân.
Trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị phát triển ứng dụng làm việc với đầu mối của Bộ Y tế để xác định các yêu cầu nghiệp vụ. Hiện chức năng cho phép người dân nhập thông tin tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đã được phát triển và đang hoạt động trên phiên bản thử nghiệm, dự kiến sẽ được cung cấp đến người dùng trong phiên bản cập nhật sắp tới của các ứng dụng.
Theo đó, sắp tới khi Google và Apple duyệt phiên bản cập nhật mới của các ứng dụng PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử, trường hợp thông tin mũi tiêm chưa chính xác và đầy đủ thì người dùng có thể tự khai thông tin ở mục “Đề xuất sửa thông tin tiêm chủng”.
Khi đó, thông tin tiêm chủng do người dân tự nhập, đề xuất sửa sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC-Covid/ Sổ Sức khỏe điện tử và chuyển về Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 triển khai các công việc xác minh, chuẩn hóa thông tin.
Việc bổ sung chức năng cho phép người dân nhập thông tin tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên các ứng dụng PC-Covid và Sổ Sức khỏe điện tử là một trong những giải pháp được các cơ quan chức năng triển khai để khắc phục tình trạng sai sót, thiếu các dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bên cạnh việc hướng dẫn người dân cung cấp, cập nhật thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đến nay, Bộ Y tế đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương 3 quy trình để thực hiện đồng bộ, xác thực thông tin người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với làm sạch dữ liệu tiêm chủng.
Ảnh minh họa/TTXVN. |
Các quy trình đã được Bộ Y tế lần lượt hướng dẫn gồm có: Quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; quy trình xác thực thông tin người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Với Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng để khắc phục tình trạng sai, thiếu dữ liệu tiêm chủng, qua nhiều kênh thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục tổ chức truyền thông đến người dân về việc họ có quyền gửi phản ánh trực tiếp đến các cơ sở tiêm nếu phát hiện dữ liệu tiêm chủng không đúng hay chưa đủ; cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm xử lý thông tin người dân phản ánh.
Hiện tại, ngoài phản ánh thông tin về các mũi tiêm của mình trên ứng dụng PC-Covid, người dân cũng có thể phản ánh thông tin qua chức năng “Phản ánh thông tin tiêm chủng Covid-19” trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, cụ thể là trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Theo quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, từ thông tin phản ánh của người dân, các cơ quan quản lý y tế (Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã) và các cơ sở tiêm chủng sẽ truy cập nền tảng để rà soát, phản hồi và cập nhật bổ sung thông tin chứng nhận tiêm cho người dân.
Việc rà soát và cập nhật kết quả xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân sẽ được các cơ quan quản lý y tế và cơ sở tiêm chủng thực hiện trong vòng 48 giờ, kể từ khi hệ thống ghi nhận thông tin phản ánh của người dân.
Dùng chung ứng dụng PC-Covid phòng, chống dịch
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ba Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an đã thống nhất ứng dụng PC-Covid do Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng, là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, VNeID do Bộ Công an quản lý là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân, là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội. VNeID cũng được tích hợp một số chức năng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. VNeID và PC-Covid hoạt động liên thông, chia sẻ dữ liệu thông suốt.
Cùng với đó, yêu cầu thống nhất sử dụng QR Code. Cụ thể, người dân sẽ sử dụng mã QR trên căn cước công dân, khi sử dụng trên ứng dụng di động thì thống nhất cách thức hiển thị mã QR theo Quyết định 1405 ngày 11-9 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Địa phương không phát triển thêm phần mềm ứng dụng phòng, chống dịch khác, thống nhất dùng chung ứng dụng phòng chống Covid-19 để thuận tiện nhất cho người dân.
Ý kiến ()