Thiếu điện, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp
Thiếu điện sản xuất, 3 hiệp hội liên quan tới hoạt động cảng biển và logistics Việt Nam đồng loạt lên tiếng đề nghị ưu tiên điện cho những ngành dịch vụ được coi là huyết mạch của nền kinh tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới dòng chảy kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên trên địa bàn TP Hải Phòng trong thời gian qua trở nên thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì thế, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cùng ký tên, đóng dấu vào một văn bản gửi tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đề nghị có cơ chế riêng cấp điện cho các cảng ở khu vực Hải Phòng. Văn bản này đồng thời được gửi tới Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, hoạt động khai thác cảng biển có đặc thù là luôn phải bảo đảm cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho mọi đối tượng khách hàng, doanh nghiệp xuất-nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng vốn được coi là mạch máu của nền kinh tế. Theo văn bản của 3 hiệp hội thì việc cắt điện gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng, ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển của Việt Nam.
Khi tàu tới và tàu đi ở các cảng biển bị ách tắc do thiếu điện vận hành, hoạt động xuất-nhập khẩu của nước ta cũng sẽ bị ngưng trệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất-nhập khẩu của nước ta vốn đang rất khó khăn do nhu cầu chung của thị trường thế giới sụt giảm; đồng thời làm ách tắc nguồn cung đầu vào sản xuất cho rất nhiều ngành hàng hóa, dịch vụ đang phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên-vật liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp vốn đang kiệt sức bởi những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, thị trường đầu ra teo tóp, các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nay lại thêm tác động bởi đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên-vật liệu. Cú “đánh bồi” này có thể khiến nhiều doanh nghiệp không gượng nổi và nền kinh tế nước nhà sẽ khó có cơ hội bứt tốc để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm, sau kết quả kém vui của quý I-2023.
Lòng hồ Thủy điện Sơn La khô nứt nẻ, thành nơi chăn thả gia súc của người dân. Ảnh: DŨNG ĐINH |
Cần giải pháp căn cơ để phát triển ngành điện
Thực ra, chuyện thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt đã được chúng ta nhìn thấy trước từ rất lâu. Nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để giải quyết vấn đề. Đây không chỉ là việc của ngành điện lực mà còn là việc của nhiều cơ quan hữu quan.
Nguồn điện năng chủ yếu cung cấp cho lưới điện quốc gia của chúng ta hiện nay là thủy điện. Chuyện các hồ chứa thủy điện xuống dưới “mực nước chết” trong các mùa khô, mùa nắng nóng đã xuất hiện trong nhiều năm, nhất là từ khi các nước thượng nguồn những dòng sông lớn của nước ta ngăn đập làm các công trình thủy lợi, thủy điện. Năm nay, tình trạng thiếu nước ở các hồ chứa thủy điện ở mức trầm trọng nhất trong lịch sử ngành thủy điện nước ta. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng thời gian gần đây là câu trả lời rất rõ ràng cho việc chúng ta chưa có giải pháp ứng phó hiệu quả với những thay đổi thủy văn của các dòng sông lớn cung cấp nước cho thủy điện.
Các nước ở thượng nguồn vốn đã có lợi thế chặn dòng, nhưng họ đồng thời gây mưa nhân tạo để tạo thêm nguồn nước cho mình. Khi họ gây mưa nhân tạo, nước ta có bị ảnh hưởng hay không, khi mây và hơi nước không còn được dịch chuyển một cách tự nhiên như trước đây? Liệu chúng ta có thể gây mưa nhân tạo để chủ động hơn trong bảo đảm an ninh nguồn nước? Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động việc xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở các quốc gia có chung dòng sông với nước ta. Vậy, chúng ta đã thực hiện kết luận này như thế nào?
Để xảy ra tình trạng thiếu điện như hiện nay, ngành điện lực rõ ràng không thể không phân tích, nhìn nhận rõ trách nhiệm trong việc đa dạng hóa các nguồn cung điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Nguy cơ thiếu nước cho sự vận hành của các nhà máy thủy điện đã được dự báo trước, nếu ngành điện lực quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong việc đề xuất và thực hiện chuyển đổi sản xuất năng lượng phù hợp, an toàn thì chúng ta đã không bị động đến thế.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Các nhà máy nhiệt điện chắc chắn sẽ phải giảm dần hoạt động và thay thế bằng các nhà máy cung cấp điện năng khác thân thiện với môi trường hơn. Khi ấy, áp lực về nguồn cung điện năng sẽ còn lớn hơn gấp bội. Nếu không sớm có giải pháp quyết liệt, một chiến lược phát triển ngành điện vững chắc, một thị trường điện vận hành suôn sẻ, huy động được sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư thì việc thiếu điện sẽ trở thành gánh nặng cản bước nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thieu-dien-anh-huong-tieu-cuc-toi-doanh-nghiep-730902
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()