Thiếu đất đắp nền và bãi đổ thải: Các dự án đầu tư xây dựng gặp khó
– Trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội do Nhà nước và các nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tế theo dõi có nhiều dự án đang gặp trở ngại là tình trạng thiếu đất đắp nền nhưng lại thừa đất thải do thiếu các mỏ đất đắp, vị trí đổ thải phục vụ các dự án.
Dự án Hạ tầng khu dân cư và tái định cư Hữu Khánh, huyện Lộc Bình được triển khai từ năm 2019 với diện tích thu hồi hơn 48 ha, tính đến cuối năm 2022, công tác giải phóng mặt bằng đã được huyện Lộc Bình thực hiện đạt 97% diện tích. Về thi công xây lắp, nhà thầu đã thực hiện san lấp mặt bằng theo thiết kế trên toàn bộ diện tích đã giải phóng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án ngoài việc cân đối đào đắp tại chỗ, hiện dự án còn tồn khoảng 1,2 triệu m3 đất đổ thải mà chưa biết đổ đi đâu.
Thực hiện đào đắp trong thi công mở nền công trình đường Xuân Long – Tràng Các thuộc huyện Cao Lộc và Văn Quan
Khảo sát thực tế dự án một ngày giữa tháng 12/2022, chúng tôi ghi nhận tại công trình có những bãi đất thừa cao chót vót ngay bên các công trình hạ tầng giao thông nội bộ dự án. Ông Phạm Văn Đương, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Sơn, thành phố Lạng Sơn, chủ đầu tư dự án cho biết: Vị trí xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư và tái định cư Hữu Khánh nằm chủ yếu trên địa bàn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, hiện trạng khu đất là các quả đồi thấp xen kẹp với các thửa ruộng nhỏ. Trong quá trình thi công, đơn vị đã cố gắng cân đối đào đắp nhưng vẫn dư thừa khối lượng đất thải khoảng 1,2 triệu m3 đang tồn đọng ngay tại dự án.
Không chỉ Dự án Hạ tầng khu dân cư và tái định cư Hữu Khánh, một dự án khác cũng đang thiếu bãi đổ thải đó là Dự án Khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ thuộc thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Theo số liệu thống kê tại dự án, nhu cầu đổ thải ước tính khoảng 2,1 triệu mét khối và chủ đầu tư dự án vẫn đang vướng mắc về bãi đổ thải.
Còn tại Dự án Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Lạng Sơn lại đang thiếu nguồn đất đắp tại công trình. Dự án này có diện tích thu hồi hơn 16,6 ha và được triển khai thi công từ năm 2020, hiện dự án đã được UBND thành phố Lạng Sơn giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư được 7/16,6 ha. Tuy nhiên, việc triển khai thi công san lấp mặt bằng dự án đang gặp khó khăn do thiếu vật liệu đất đắp cho dự án, theo tính toán, tổng diện tích đất đắp của phục vụ dự án cần khoảng 400 nghìn mét khối.
Ông Nguyễn Xuân Hậu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Long Thịnh, nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Lạng Sơn cho biết: Do thiếu nguồn đất đắp, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn để bù cho dự án, công ty cũng đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về giải pháp tháo gỡ như đề xuất vị trí mỏ đất đắp nhưng lại vướng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa phương, vì thế, đến nay đơn vị vẫn chưa tìm được nguồn đất đắp để phục vụ thi công san lấp mặt bằng dự án.
Ngoài ra còn một số dự án khác cũng đang thiếu đất đắp và bãi đổ thải như: Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B, Dự án Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ; Dự án Khu đô thị mới Bến Bắc thành phố Lạng Sơn…
Để giải quyết nguồn đất thải dư thừa, các chủ đầu tư cũng tính đến phương án liên kết cân đối giữa các dự án. Tuy nhiên, để sử dụng đất đắp tại các dự án hạ tầng giao thông yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn của ngành giao thông vận tải là rất cao, do đó việc cân đối chỗ thừa qua chỗ thiếu hầu như không thực hiện được. Đối với các dự án khu đô thị có nhu cầu san lấp lớn như tại thành phố Lạng Sơn thì chi phí vận chuyển sử dụng đất thừa tại các dự án quá cao dẫn đến không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, nguyên nhân chính là công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai tại các huyện, thành phố về quy hoạch các mỏ đất đắp và bãi đổ thải chưa theo kịp thực tiễn nhu cầu đầu tư các công trình dự án.
Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Thực tế những bất cập về quy hoạch mỏ đất, bãi đổ thải phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng huyện cũng đã nhìn nhận ra vấn đề. Hiện UBND huyện đang khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của huyện thời kỳ 2021 – 2030, trong đó xác định các bãi đổ thải, mỏ đất đắp phục vụ các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trình tự thực hiện đối với công tác này cũng rất phức tạp, không những thế, để tạo được quỹ đất làm bãi đổ thải cũng như mỏ đất đắp vẫn phải thực hiện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu, chỉ tiêu trung ương phân bổ cho tỉnh Lạng Sơn đối với loại đất làm bãi thải và xử lý chất thải theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 là 840 ha và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025 cho tỉnh Lạng Sơn là 818 ha. Như vậy, có thể thấy phân khai loại đất làm bãi thải và xử lý chất thải của tỉnh là rất hạn chế, đây là một khó khăn trong việc tỉnh thực hiện phân bổ cho các huyện trong những năm tới khi nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
Trong thời gian tới, nhu cầu về đất đắp và bãi đổ thải là rất lớn, trong khi chỉ tiêu phân khai lại rất hạn chế. Vì vậy, để tháo gỡ vấn đề này, UBND các huyện cần rà soát và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó dự báo tốt về nhu cầu đất đắp, bãi đổ thải để trình UBND tỉnh phê duyệt. Có như vậy mới mong giải quyết được căn cơ vấn đề thiếu đất đắp và bãi đổ thải trong thực hiện các dự án giai đoạn hiện nay và trong nhiều năm tới.
Ý kiến ()